Theo dự thảo, Quy định này quy định về quy trình, kỹ năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động bán đấu giá tài sản thi hành án (THA) của Chấp hành viên (CHV), cơ quan Thi hành án dân sự (THADS), cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong quá trình bán đấu giá tài sản THA theo quy định của pháp luật về THADS và pháp luật về đấu giá tài sản.
Đối tượng áp dụng gồm: VKSND tối cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện. Viện kiểm sát quân sự các cấp áp dụng quy định này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cấp mình; Kiểm sát viên (KSV), Kiểm tra viên (KTV), công chức khác được giao nhiệm vụ kiểm sát THADS; cơ quan THADS, CHV và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc bán đấu giá tài sản THA.
Về nguyên tắc khi tiến hành kiểm sát hoạt động bán đấu giá tài sản THA, dự thảo nêu rõ các nguyên tắc bao gồm: Tuân thủ quy định của pháp luật về THADS, pháp luật về bán đấu giá tài sản và các quy định pháp luật khác có liên quan; các quy chế, quy định, hướng dẫn của VKSND tối cao về công tác kiểm sát THADS.
Bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; đúng phạm vi và chủ thể được kiểm sát; đồng thời, bảo đảm sự vô tư, khách quan, toàn diện và đầy đủ khi tiến hành kiểm sát; bảo đảm sự phối hợp hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của chủ thể được kiểm sát.
Đối với nội dung yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến hoạt động bán đấu giá tài sản THA để kiểm sát, dự thảo Quy định nêu rõ, căn cứ quy định tại điểm d khoản 6 Điều 28 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và điểm b khoản 2 Điều 12 Luật THADS năm 2014, VKSND thực hiện quyền yêu cầu cơ quan THADS và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp hồ sơ, tài liệu về hoạt động bán đấu giá tài sản THA để tiến hành kiểm sát. KSV được phân công thực hiện việc tiếp nhận và nghiên cứu hồ sơ, tài liệu để kiểm sát, làm rõ việc tổ chức THADS có đúng nội dung bản án, quyết định của Tòa án hay không, việc thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về tổ chức THADS và pháp luật về bán đấu giá tài sản.
|
|
Viện kiểm sát và cơ quan THADS trao đổi công việc. (Ảnh minh hoạ) |
Đối với các hồ sơ chưa đầy đủ các tài liệu về trình tự, thủ tục tổ chức THADS nói chung và các tài liệu về trình tự, thủ tục cưỡng chế kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản THA nói riêng thì yêu cầu CHV, cơ quan THADS cung cấp đầy đủ, kịp thời các tài liệu còn thiếu. Việc yêu cầu phải bằng văn bản theo mẫu quy định, do lãnh đạo Viện (hoặc lãnh đạo Vụ) ký; nội dung văn bản nêu rõ lý do cần yêu cầu, tên cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu, nội dung cần yêu cầu, thời gian thực hiện và trả lời cho VKSND. Nếu CHV, cơ quan THADS không cung cấp được các tài liệu còn thiếu thì phải có văn bản nêu rõ lý do.
Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, tài liệu về hoạt động bán đấu giá tài sản THA, nếu thấy cần thiết, KSV báo cáo đề xuất việc trực tiếp xác minh vụ việc bán đấu giá tài sản THA hoặc những vấn đề cần thiết phục vụ cho việc kiểm sát. Khi đề xuất xác minh, KSV cần báo cáo, nêu rõ nội dung cần xác minh, thời gian và các thành viên tham gia. CHV thụ lý vụ việc THA có thể được mời tham gia xác minh nếu thấy cần thiết. Việc xác minh phải lập biên bản, ghi rõ thời gian, địa điểm, thành phần, nội dung và kết quả xác minh. Biên bản xác minh phải có đủ chữ ký của các thành viên tham gia và có xác nhận của đại diện chính quyền nơi tiến hành xác minh.
Qua nghiên cứu, kiểm sát hồ sơ, tài liệu có liên quan đến hoạt động bán đấu giá tài sản THA, nếu phát hiện vi phạm trong quá trình tổ chức THADS nói chung, vi phạm trong việc bán đấu giá tài sản THA nói riêng thì KSV báo cáo đề xuất lãnh đạo có văn bản yêu cầu, kiến nghị hoặc kháng nghị kịp thời.
KSV có thể báo cáo đề xuất ban hành văn bản yêu cầu, kiến nghị với thủ trưởng cơ quan THADS được kiểm sát, cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan đến hoạt động bán đấu giá tài sản THA xem xét, khắc phục vi phạm ít nghiêm trọng và xử lý người vi phạm hoặc áp dụng biện pháp phòng ngừa chung theo quy định tại khoản 7 Điều 28 Luật Tổ chức VKSND năm 2014, điểm đ khoản 2 Điều 12 Luật THADS năm 2014 và Điều 35 Quy chế 810.
Trường hợp phát hiện quyết định hoặc hành vi của CHV hoặc thủ trưởng cơ quan THADS được kiểm sát có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong hoạt động bán đấu giá tài sản THA thì phải báo cáo đề xuất thực hiện quyền kháng nghị để yêu cầu thu hồi, sửa đổi, bổ sung, hủy quyết định có vi phạm pháp luật trong việc THA, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật theo quy định khoản 8 Điều 28 Luật Tổ chức VKSND năm 2014, điểm e khoản 2 Điều 12, Điều 160 Luật THADS năm 2014 và Điều 34 Quy chế 810.
Trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì báo cáo đề xuất ban hành văn bản chuyển hồ sơ, tài liệu đến Cơ quan điều tra VKSND tối cao để xem xét xử lý theo thẩm quyền.
Trường hợp phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án có dấu hiệu oan, sai, tuyên không rõ, khó thi hành thì chuyển đến VKSND cấp cao 1, 2, 3 hoặc các đơn vị nghiệp vụ thuộc VKSND tối cao (Vụ 7, Vụ 9, Vụ 10) để xem xét kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm.
Ngoài ra, qua kiểm sát hoạt động bán đấu giá tài sản THA, VKSND cấp trên cần tổng hợp, ban hành thông báo rút kinh nghiệm chung về nghiệp vụ kiểm sát hoặc về các dạng vi phạm pháp luật trong hoạt động bán đấu giá tài sản THA.
Xem toàn văn dự thảo Quy định tại đây: quy-dinh.pdf