|
|
Một phương án sẽ được chọn cho Luật Phòng chống tác hại của rượu bia (ảnh minh họa) |
Đề xuất 3 phương án.
Bộ Y tế đề xuất 3 phương án về địa điểm, thời gian bán bia rượu trong ngày để chốt đưa vào Luật.
Phương án 1: Chỉ được bán rượu, bia vào 11-14h và 17-22h hằng ngày; trừ trường hợp bán tại khu vực bay quốc tế và khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch.
Phương án 2: Chỉ được bán rượu, bia 6-22h hằng ngày, trừ khu vực bay quốc tế và tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch.
Phương án 3: Thời gian không được bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ.
Theo đó, những phương án nào được sự đồng thuận cao sẽ Bộ Y tế sẽ tiếp thu.
Trong dự thảo lần 1 đã tổ chức lấy ý kiến nhưng Bộ Y tế chỉ đề xuất cấm bán rượu bia sau 22h. Vấn đề này đã gây nhiều tranh cãi và hiện nay đã có 3 phương án được đưa ra.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long cho rằng, bia rượu là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông, bạo lực gia đình và mất trật tự xã hội. Thiệt hại của rượu bia gây ra lớn hơn gấp nhiều lần so với giá trị kinh doanh của rượu bia mang lại. Rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 5 trong số 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu, là nguyên nhân liên quan đến chấn thương tai nạn giao thông, rối loạn tâm thần, xơ gan, tim mạch, ung thư..Vì thế cần hạn chế việc uống bia rượu.
Hơn nữa, theo nghiên cứu trên thế giới, uống rượu bia vào thời điểm 20-24h tác động đến sức khỏe con người rất lớn, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tiêu hóa, hô hấp trong khi đây là thời gian con người cần nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Thực tế cho thấy tỷ lệ bị tai nạn giao thông vào giờ này rất cao.
Dự thảo Luật cũng nghiêm cấm khuyến mại, rượu bia trực tiếp cho người tiêu dùng; dùng làm giải thưởng cho các cuộc thi; cung cấp miễn phí. Cấm quảng cáo, giới thiệu rượu, bia từ 15 độ trở lên. Loại dưới 15 độ quảng cáo trên báo hình, báo nói thì chỉ được thực hiện từ sau 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Hạn chế hình ảnh uống rượu, bia trong các sản phẩm điện ảnh, truyền hình.
Vẫn còn những ý kiến trái chiều
Theo Luật sư Lâm Văn Quang, Đoàn luật sư TP. Hà Nội thì việc Bộ Y tế đưa ra 3 phương án để góp ý lấy một phương án vào Luật Phòng chống tác hại của rượu bia sẽ rất khó bởi mỗi một phương án nó lại điều chỉnh cho một nhóm người. Ví dụ người làm việc hành chính họ sẽ thích phương án 1, người đi du lịch họ thích phương án 2, còn những người thường xuyên uống rượu bia thì thích phương án 3. Tất cả 3 phương án nếu đưa ra để lấy ý kiến thì rất khó, hơn ai hết Bộ Y tế đưa ra phương án và các chế tài phải thực hiện cho hợp lý sẽ được sự đồng thuận cao. Một điều nữa là đối với những người không làm việc cấm uống rượu theo giờ có phạm vào quyền tự do, dân chủ của họ hay không?.
Tuy nhiên, theo ông Trần Thế Dương, hướng dẫn viên du lịch chuyên tour Hàn Quốc lại cho rằng, nhiều quốc gia có văn hóa uống rượu riêng. Họ đi du lịch văn hóa đó cũng đi theo họ, cho nên để cấm là rất khó. Nhưng, để phục vụ mục đích quốc gia, đưa ra những quy chuẩn trong uống rượu theo giờ là rất cần thiết. Điều này phải được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và các tour du lịch thì mới mong khách du lịch thực hiện đúng luật của nước mình.
Ông Nguyễn Hoài Nam, nhân viên môi trường đô thị thì có vẻ bi quan về những phương án mà Bộ Y tế đề ra bởi theo ông Nam một số quy định trước đây như cấm hút thuốc lá nơi công cộng, công sở, trường học, bệnh viện; ngực lép không được lái xe...đều được thực thi không có hiệu quả. Tới nay lại cấm rượu bia theo giờ thì thử hỏi với thói quen của người Việt có triệt để vấn đề này được không.
Theo Giám đốc Bệnh viện E, Lê Ngọc Thành thì quan trọng là chế tài xử phạt, phải xử phạt thật nghiêm thì các phương án đưa ra đều hiệu quả, còn nếu không nghiêm thì khó mà thực thi. Như ở nước ngoài, họ cấm bán rượu theo tuổi. Nếu bán cho người chưa đủ tuổi uống rượu thì bị phạt nặng...Quan trọng vẫn là chế tài xử phạt.
Câu chuyện về cấm rượu bia theo khung giờ vẫn còn khá nhiều các ý kiến trái chiều. Trong lúc, dự kiến tháng 10 dự Luật này sẽ trình Quốc hội xem xét.
PV