Diễn biến vụ việc
Theo hồ sơ vụ việc, ngày 24/1/2018, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều Dương Tấn Hiển ký Quyết định số 14/QĐ-KNCGTVPT, khám xét nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (VPHC) là căn nhà số 40 Nguyễn Đức Cảnh, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều (tiệm vàng Thảo Lực), do ông Lê Hồng Lực làm chủ.
Trưa 30/1/2018, Phòng Cảnh sát kinh tế CATP. Cần Thơ tiến hành khám xét chỗ ở của ông Lực - tiệm vàng Thảo Lực theo quyết định trên, bắt quả tang ông Lê Hồng Lực đang mua trái phép 100 USD của ông Nguyễn Cà Rê với giá gần 2,3 triệu đồng.
Tang vật bị thu giữ là 100 USD và gần 2,3 triệu đồng. Ngoài ra, tiệm vàng Thảo Lực còn bị lực lượng công an khám xét và thu giữ 20 viên kim cương, 19.910 viên đá nhân tạo lý do không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; sổ sách chứng từ liên quan hoạt động kinh doanh, đầu thu camera...
Hơn 6 tháng sau, ngày 13/8/2018, CATP. Cần Thơ mới lập Biên bản VPHC vụ bắt quả tang mua bán trái phép ngoại tệ là 100 USD nói trên.
|
|
Tiệm vàng Thảo Lực (ảnh: Lao Động) |
Ngày 4/9/2018, UBND TP. Cần Thơ ra Quyết định xử phạt VPHC 180 triệu đồng, đối với Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực (trụ sở tại số 40 Nguyễn Đức Cảnh, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều), do ông Lê Hồng Lực làm giám đốc.
Ngày 23/10, UBND TP. Cần Thơ ra Quyết định xử phạt VPHC 90 triệu đồng đối với ông Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, trú tại phường Hòa An, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) về hành vi bán 100 USD.
Ngày 26/10, UBND TP Cần Thơ cho biết, đã ra quyết định xử lý tang vật bị tịch thu. Theo đó, 100 USD, gần 2,3 triệu đồng và 20 viên kim cương, 19.910 viên đá nhân tạo trị giá hơn 548 triệu đồng, thu giữ tại tiệm vàng Thảo Lực sẽ được chuyển vào Kho bạc Nhà nước.
Nhiều bất thường
Phải nói rằng, việc CATP. Cần Thơ bắt giữ hành vi mua bán trái phép 100 USD là không sai. Nhưng vì sao, vụ việc này lại trở thành tâm điểm của dư luận và truyền thông trong mấy ngày qua? Nhiều đại biểu Quốc hội và luật sư đã phải lên tiếng về vụ việc này.
Luật sư Nguyễn Văn Thắng, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, việc thực thi pháp luật của CATP. Cần Thơ và các cơ quan chức năng ở đây có nhiều điều bất thường, khiến cho việc mua bán 100 USD trở thành tâm điểm của dư luận. Cụ thể là:
Ngày 30/1/2018, CATP. Cần Thơ thực thi quyết định của Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều ký trước đó 6 ngày để khám xét tiệm vàng Thảo Lực.
Theo Điều 129 Luật xử lý VPHC: Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện VPHC chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng, nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện VPHC.
Theo đó, trong vụ việc này, nếu cơ quan công an tiến hành khám nhà – nơi cất giấu tang vật, phương tiện thì ngay sau khi bắt quả tang hành vi mua bán 100 USD, cơ quan công an đề xuất Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều ký quyết định khám xét ngay, chứ không phải quyết định được ký trước 6 ngày như ông Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều đã làm.
Vấn đề cần làm rõ ở đây là trong thời gian 6 ngày, tính từ thời điểm Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều ký quyết định khám xét, đến trước thời điểm CATP. Cần Thơ bắt quả tang tiệm vàng Thảo Lực mua 100 USD. Vậy, trong thời gian 6 ngày đó, hành vi VPHC của chủ tiệm vàng Thảo Lực ở đây là gì?
Ngoài việc thu giữ tang vật là 100 USD và gần 2,3 triệu đồng do mua bán trái phép ngoại tệ, CATP. Cần Thơ còn thu giữ 20 viên kim cương và 19.910 viên đá quý nhân tạo, được cất trong tủ của gia đình, không trưng bày bán. Điều đáng nói, kết quả khám xét tiệm vàng Thảo Lực, công an không phát hiện thêm ngoại tệ, ngoài tờ 100 USD vừa mua của ông Rê.
|
|
Quyết định xử phạt VPHC đối với Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực |
Theo vợ chồng ông Lê Hồng Lực, số kim cương, đá quý được để trong tủ của gia đình. Đây là tài sản của vợ chồng ông, không liên quan đến việc mua bán 100 USD. Vậy tại sao CATP. Cần Thơ lại thu giữ?, Luật sư Thắng đặt câu hỏi.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 66, Luật Xử lý VPHC năm 2012: Người có thẩm quyền xử phạt VPHC phải ra quyết định xử phạt hành chính trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản.
Đối với những vụ việc phức tạp, cần phải xác minh, giải trình (theo khoản 2,3 Điều 61), thời hạn tối đa là 45 ngày, kể từ ngày lập biên bản. Kể cả thời gian cần gia hạn theo khoản 1 Điều 66, tổng thời gian không được quá 60 ngày, kể cả thời gian nhận được hồ sơ do cơ quan tố tụng hình sự chuyển đến.
Liên hệ với vụ việc này, ngày 30/1, CATP. Cần Thơ bắt quả tang mua bán ngoại tệ trái phép, nhưng hơn 190 ngày sau, đến ngày 13/8 mới lập biên bản VPHC, như vậy đã vi phạm luật định.
Vụ việc càng trở lên bất thường khi chỉ là xử phạt hành chính, nhưng cơ quan chức năng TP. Cần Thơ lại “ngâm” tới 8 tháng?
Bên cạnh đó, Quyết định của UBND TP. Cần Thơ ghi rõ: Khám nơi cất giấu phương tiện, tang vật là chỗ ở - nhà số 40 Nguyễn Đức Cảnh, phường Cái Khế, chủ là ông Lê Hồng Lực.
Tuy nhiên, Quyết định xử phạt VPHC của UBND TP Cần Thơ lại xử phạt doanh nghiệp - Công ty TNHH MTV Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực, do ông Lực làm giám đốc. “Sao lại có chuyện khám xét một đằng, xử phạt một nẻo?”, Luật sư Thắng nêu vấn đề.
Về nội dung ông Nguyễn Cà Rê bị phạt 90 triệu đồng vì bán 100 USD, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn luật sư Hà Nội cho hay: Về mặt pháp luật, UBND TP. Cần Thơ ra quyết định xử phạt ông Rê là không sai. Tuy nhiên, xét về thực tế ông Rê chỉ bán 100 USD là chưa nghiêm trọng nhưng lại bị xử phạt lên đến gần 40 lần giá trị tang vật là quá nghiêm khắc. Trong trường hợp này, chỉ cần xử phạt ông Rê hình thức cảnh cáo là phù hợp.
Đồng quan điểm trên, Luật sư Đào Thị Liên cho hay: Mục đích của pháp luật là giáo dục, răn đe rồi mới đến trừng trị. Vậy việc xử phạt 90 triệu đồng đối với ông Rê có thực sự đạt được hiệu quả giáo dục của pháp luật hay không, khi mà việc thu đổi 100 USD nói trên chỉ nhằm mục đích tiêu dùng cá nhân, chứ không phải nhằm mục đích thu lợi từ việc mua, bán ngoại tệ chuyên nghiệp.
Chia sẻ về sự việc này, ông Trương Trọng Nghĩa - Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, việc mua bán ngoại tệ trái pháp luật xảy ra nhiều nhưng xử lý cần có trọng tâm, trọng điểm. Với hành vi đổi 100 USD mà bị phạt 90 triệu đồng là không hợp lý.
Còn ông Nguyễn Văn Chiến - Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhấn mạnh việc phạt một người đi đổi 100 USD là điển hình về thiếu những quy định cụ thể trong áp dụng pháp luật, khiến dư luận không đồng tình.
Lời giải thích… vụng về
Trao đổi với báo chí, ông Dương Tấn Hiển - Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều cho biết, đã ký quyết định khám xét nhà ở dựa trên tờ trình của Trưởng phòng cảnh sát kinh tế; đồng thời căn cứ theo Điều 129 của Luật Xử lý VPHC về việc khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện VPHC.
Ông Hiển cho hay, các quyết định khám xét nhà ở cá nhân đều được Phòng cảnh sát kinh tế soạn sẵn, sau khi bộ phận thẩm định văn phòng kiểm tra xong thì trình lên ông ký.
Việc ký lệnh khám nhà ngày 24/1 nhưng đến ngày 30/1 công an mới thực hiện và ngay khi bắt quả tang vụ đổi 100 USD tại tiệm vàng, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều nói "hai vụ không liên quan với nhau".
Theo Thượng tá Trần Văn Dương - Trưởng phòng Tham mưu CATP. Cần Thơ, việc khám nhà là đúng quy trình, quy định pháp luật. Trong quá trình trinh sát cơ quan công an đã có cơ sở từ trước mới xin lệnh khám xét. Còn việc khám xét nhà trùng thời điểm với bắt quả tang tiệm vàng đổi 100 USD của ông Nguyễn Cà Rê cũng không có gì bất thường.
Về việc 8 tháng sau mới có quyết định xử phạt, CATP Cần Thơ cho biết, vụ VPHC được chuyển sang cơ quan điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự vì có dấu hiệu doanh nghiệp trốn thuế. Tuy nhiên, đến ngày 18/7, cơ quan điều tra có quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Vì vậy, UBND TP. Cần Thơ mới ra quyết định xử phạt.
Ngày 27/10, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo về vụ việc xử phạt 90 triệu đồng đối với trường hợp đổi 100 USD ở tiệm vàng Thảo Lực, TP. Cần Thơ.
Cụ thể, Phó thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu tính hợp pháp, hợp lý của việc UBND TP. Cần Thơ phạt người đổi 100 USD ở tiệm vàng và có kiến nghị cần thiết, phù hợp báo cáo Thủ tướng trước 30/10/2018.
Trước đó, ngày 26/10, trao đổi bên hàng lang Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết, sau khi có thông tin vụ người dân ở Cần Thơ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng, ông đã giao Giám đốc Ngân hàng Nhà nước cơ quan phía Nam tiếp cận, kiểm tra hồ sơ vụ việc, sau đó sẽ có tư vấn cho UBND TP. Cần Thơ về hướng xử lý phù hợp.
Cũng theo ông Hưng, Ngân hàng Nhà nước đang có kế hoạch sửa đổi Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng trong đó sẽ phân loại lại các mức vi phạm.
Ông Trần Quốc Hà - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.Cần Thơ cho rằng, việc xử phạt là đúng nhưng cần thấu tình, đạt lý. Xử phạt như thế nào để người dân có thể chấp nhận được. Trường hợp này, nên hướng dẫn người bị phạt các quy định xin miễn giảm tiền phạt.
Được biết, ngày 26/10, ông Nguyễn Cà Rê đã có đơn gửi UBND TP. Cần Thơ xin miễn giảm nộp tiền phạt.
|
Hồng Nguyên