Cách đây 72 năm, ngày 9/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thông qua trước quốc dân đồng bào. Với ý nghĩa lịch sử đó, ngày này được Quốc hội chọn là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày 9/11 được tổ chức từ năm 2012 nhằm tôn vinh, đề cao giá trị của Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi công dân và tổ chức trong xã hội.
Thượng tôn pháp luật là không ai có quyền đứng trên luật pháp, nhưng trước hết thượng tôn pháp luật phải bắt đầu từ đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người làm trong các cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật. Sự chính trực, liêm khiết, “vừa hồng, vừa chuyên” của họ là tấm gương soi, là “điểm tựa” công lý tạo niềm tin cho công dân, còn không sẽ có tác dụng ngược lại...
Rất tiếc thời gian qua một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có không ít người đang công tác trong các cơ quan thực thi và bảo vệ luật pháp lại “buông thanh bảo kiếm” thiếu trách nhiệm trước quyền lợi và đòi hỏi chính đáng của người dân. Thậm chí nhiều người còn tiếp tay, cầm đầu băng nhóm vi phạm pháp luật. Nỗi oan trái đeo đẳng dằng dặc hàng chục năm trời của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, 3 mẹ con bà Đinh Thị Nga ở Điện Biên… hay những sai phạm của Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa cùng nhiều tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp thuộc lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân phải hầu tòa, lãnh án vì liên quan đến những sai phạm của Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm) và Đinh Ngọc Hệ (Út trọc) là những ví dụ chát đắng, làm xói mòn niềm tin của người dân vào đội ngũ cán bộ và tính nghiêm minh của pháp luật…!.
Được biết, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4, hơn 490 tổ chức đảng và 35.000 đảng viên vi phạm bị kỷ luật, trong đó có gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Cơ quan điều tra đã vào cuộc, làm rõ và xử lý gần 200 vụ việc, trong đó có nhiều “đại án” liên quan đến nhiều cán bộ cấp cao được xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật.
Ngày 25/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, trong đó có 8 nội dung gương mẫu đi đầu và 8 nội dung phải cương quyết chống. Cùng với sự quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, không có ngoại lệ, “không có vùng cấm”, đây là cụ thể thêm một bước quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về tinh thần thượng tôn pháp luật và các quy định có liên quan về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu.
Ngày Pháp luật năm nay có chủ đề: “Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực thi, bảo vệ pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng nhà nước liêm chính, hành động, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Để Ngày Pháp luật Việt Nam trở thành ngày hội của toàn xã hội, đem lại hiệu quả thiết thực, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Trong đó, yêu cầu đặt ra là cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, nêu gương và đi đầu trong việc tuân thủ pháp luật.
Cùng với đó, chúng ta cần hoàn thiện, bổ sung hệ thống pháp luật, “bịt kín” kẽ hở; không để cho cán bộ, đảng viên có “điều kiện” tiêu cực, tham nhũng. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật đi đôi với cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thông nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm cao để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; kiên quyết xử lý những cán bộ sai phạm, tiêu cực, tham nhũng… Để tinh thần thượng tôn pháp luật có sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ riêng ngày 9/11.
Mạnh Vũ