5 Nghị quyết gồm: 1- Nghị quyết số 58/2018/QH14 về Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016; 2- Nghị quyết số 59/2018/QH14 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019; 3- Nghị quyết số 61/2018/QH14 về thành lập Đoàn giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018"; 4- Nghị quyết số 62/2018/QH14 về thành lập Đoàn giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018"; 5- Nghị quyết số 63/2018/QH14 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
Trong đó, theo Nghị quyết số 58/2018/QH14, Quốc hội quyết nghị tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.407.572 tỷ đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2015 sang năm 2016, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2015, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2002.
Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.574.448 tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2016 sang năm 2017. Bội chi ngân sách nhà nước là 248.728 tỷ đồng, bằng 5,52% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Nguồn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước gồm: Vay trong nước 197.165 tỷ đồng; vay ngoài nước 51.563 tỷ đồng.
Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, UBND các cấp khẩn trương rà soát, phê duyệt quyết toán các dự án sử dụng vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước đã hoàn thành. Đồng thời có biện pháp khẩn trương chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục triệt để, không để tiếp diễn tình trạng tồn đọng các dự án đầu tư công đã hoàn thành nhưng chậm phê duyệt quyết toán.
Kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và báo cáo cụ thể với Quốc hội về danh sách, mức độ sai phạm, hình thức xử lý, kết quả xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước năm 2016 khi trình Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.
Tại Nghị quyết số 61/2018/QH14, Quốc hội quyết nghị thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018", Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng Đoàn giám sát.
Đoàn giám sát sẽ thực hiện nội dung giám sát về việc tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.
Bên cạnh đó, giám sát việc ban hành và triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị theo quy định của Luật đất đai năm 2013. Rà soát các quy định của pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc, những vấn đề cần được sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.
Đồng thời, giám sát về thực trạng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; trách nhiệm của các tập thể và cá nhân có liên quan.
Xem xét, đánh giá kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Tập trung làm rõ những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân của hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị trong thời gian tới.
Theo Nghị quyết số 63/2018/QH14 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội ghi nhận các giải pháp cam kết của Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện những cam kết, các giải pháp đồng bộ để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn tại kỳ họp này, báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp tiếp theo.
Chinhphu.vn