Kết thúc ba ngày chất vấn tại Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện trao đổi với báo chí về những vần đề liên quan đến chất lượng chất vấn và "hậu chất vấn".
Thưa bà, bà đánh giá các đại biểu Quốc hội đã chuyển tiếp được ý kiến của cử tri ở mức độ nào tới các Bộ trưởng?
Trước kỳ họp này, Ban Dân nguyện đã tổng hợp được 120 vấn đề, ngoài ra còn những vấn đề khác từ thảo luận kinh tế - xã hội, kiến nghị từ các đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu gửi tới. Vấn đề chất vấn đã dựa trên tổng thể những kiến nghị bức xúc nhất, nóng nhất của cử tri.
|
|
Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Thanh Hải. |
Các đại biểu Quốc hội là kênh quan trọng nhất chuyển tiếp ý kiến cử tri qua những cuộc tiếp xúc. Các đại biểu còn nắm bắt được cả tâm tư, cảm xúc, thậm chí cả những giọt nước mắt của cử tri như chúng ta đã thấy ở cuộc tiếp xúc cử tri Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh).
Theo bà, các đại biểu phải làm gì để ý nguyện cử tri có thể đến được với Quốc hội?
Đại biểu thì cũng là người dân và do dân bầu ra, giữa đại biểu và dân không bao giờ có khoảng cách. Chúng ta có đầy đủ các cơ chế để cử tri tiếp xúc với đại biểu, vấn đề là thực hiện nó như thế nào.
Nếu việc tiếp công dân, đối thoại với dân từ cấp xã, phường đến cấp huyện, tỉnh được tổ chức một cách chu đáo hơn, thì những giọt nước mắt như của cử tri Thủ Thiêm sẽ không phải rơi nhiều như thế.
Ban Dân nguyện đã kiến nghị trong nhiều báo cáo giám sát, ở kỳ họp này chúng tôi lại tiếp tục kiến nghị trong báo cáo trước kỳ chất vấn. Công tác tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp là vô cùng quan trọng. Bản thân các đại biểu Quốc hội hay đoàn đại biểu Quốc hội có chức năng tiếp công dân, nhưng lại không có thẩm quyền giải quyết.
Một nguyên lý căn bản của việc nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân là tiếp công dân phải gắn với thẩm quyền giải quyết. Phải siết chặt việc thanh tra công vụ đối với người đứng đầu cơ quan hành chính về việc tiếp và giải quyết khiếu nại của công dân, từ cấp xã trở lên.
Việc giám sát các Bộ trưởng thực hiện lời hứa trong khi trả lời chất vấn sẽ được Quốc hội thực hiện như thế nào, thưa bà?
Sắp tới, Quốc hội sẽ có nghị quyết thống kê tất cả những lời hứa của Bộ trưởng tại nghị trường từ trước tới nay, xem có bao nhiêu vấn đề được nêu và được thực hiện. Thống kê này sẽ được công bố và đó sẽ là áp lực buộc các trưởng ngành phải thực hiện.
Vấn đề mà tôi băn khoăn là rà soát vấn đề đưa vào nghị quyết giám sát đã thực hiện được đến đâu. Đặc biệt là chưa có cơ chế xử lý đối với những người có trách nhiệm, nhưng không thực hiện những kiến nghị sau giám sát, kể cả với các Bộ trưởng. Bộ trưởng thì có Thủ tướng đánh giá, Quốc hội thì chỉ kiến nghị là Bộ trưởng này còn chưa thực hiện, chứ chưa có chế tài xử lý Bộ trưởng đã hứa mà không thực hiện.
Xin cám ơn bà!
Hoàng Dương/Báo Tin tức