Kiểm tra viên là một chức danh tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân, được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để giúp Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của Viện trưởng VKSND.

Trong lĩnh vực hình sự, tại VKSND huyện Yên Phong (Bắc Ninh), Kiểm tra viên được lãnh đạo phân công làm hầu hết các công việc của Kiểm sát viên, dưới sự giám sát của Kiểm sát viên, từ thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm đến kiểm sát điều tra, truy tố. Và đặc biệt, còn được tham gia phiên tòa đối với những vụ án được phân công giúp việc Kiểm sát viên.

leftcenterrightdel
 Kiểm tra viên Nguyễn Hoàng Dũng tham gia phiên tòa xét xử vụ án hình sự cùng Kiểm sát viên.

Việc tham gia phiên tòa khiến cho Kiểm tra viên có cái nhìn toàn diện về quy trình xét xử một vụ án hình sự, các thao tác nghiệp vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, đồng thời cũng là cách rèn luyện bản lĩnh khi ngồi “ghế nóng” cho Kiểm tra viên, tạo tiền đề cho mỗi Kiểm tra viên trong đơn vị tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn, bản lĩnh nhằm đáp ứng yêu cầu của người cán bộ kiểm sát trong tiến trình cải cách tư pháp.

Tôi vẫn nhớ mãi lần đầu được ngồi phiên tòa hình sự với đồng chí Ngô Phương Dung, Phó Viện trưởng VKSND huyện Yên Phong. Đó là một vụ án mua bán trái phép chất ma túy, đối tượng là người dân tộc thiểu số sống ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn đến huyện Yên Phong tìm việc làm. Do hoàn cảnh khó khăn, việc làm không ổn định nên bị cáo đã nảy sinh ý định mua ma túy về bán kiếm lời và đã bị bắt ngay lần đầu tiên phạm tội.

Tại phiên tòa, bị cáo phản cung phủ nhận hoàn toàn lời khai tại Cơ quan điều tra và cho rằng bị cáo bị ép cung. Tuy nhiên, bằng những câu hỏi sắc bén, lập luận chặt chẽ, Kiểm sát viên đã buộc bị cáo phải cúi đầu nhận tội. Tòa án đã tuyên án kết tội bị cáo với mức hình phạt nghiêm khắc để giáo dục, răn đe đối với bị cáo và phòng ngừa chung đối với xã hội.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên Ngô Phương Dung - Phó Viện trưởng VKSND huyện Yên Phong công bố cáo trạng tại phiên Toà.

Nhìn những giọt nước mắt hối hận muộn màng lăn trên gò má của bị cáo, tôi biết bị cáo đã nhận thức được sâu sắc lỗi lầm của mình. Và tôi hi vọng rằng sau khi chấp hành xong bản án này, bị cáo sẽ có ý thức cải tạo, tu dưỡng để trở thành người công dân có ích cho gia đình và xã hội. Cũng từ phiên tòa này, tôi nhận thức được thành công của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự không chỉ là được Tòa án chấp nhận đề nghị của Viện kiểm sát về tội danh, mức án, bảo vệ thành công Cáo trạng mà cao hơn là giúp cho bị cáo nhận thức được lỗi lầm của mình, ân hận với những hành vi phạm tội đã thực hiện, từ đó không tái phạm, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Cũng từ đây, tôi nhận thức được trách nhiệm khi khoác lên mình màu áo thiên thanh, màu áo tượng trưng cho công lý về việc học tập, rèn luyện đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ để luôn khẳng định được bản lĩnh của một cán bộ kiểm sát, xứng đáng với 10 chữ vàng mà Bác Hồ đã trao tặng cho cán bộ Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

Việc được tham gia phiên tòa xét xử vụ án hình sự tạo cho tôi - một Kiểm  tra viên thêm bản lĩnh, tự tin, vững vàng trong việc thực thi nhiệm vụ. Công việc cũng giúp tôi phải vận động, học tập để hoàn thiện mình hơn. Nhìn lại quãng đường học tập, vào Ngành Kiểm sát nhân dân, tôi thấy mình thật may mắn và tự hào khi được khoác trên mình màu áo thiên thanh – màu xanh công lý. Và tôi tự hứa phải phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn để xứng đáng với màu áo thiên thanh mà tôi đã chọn gắn bó suốt cuộc đời.

Nguyễn Hoàng Dũng - Kiểm tra viên, VKSND huyện Yên Phong (Bắc Ninh)