Lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chưa sát với nhu cầu

Thanh tra tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành kết luận về việc thanh tra tại UBND huyện Krông Pắk.

Theo đó, Thanh tra tỉnh đã tiến hành thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; việc thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng đất đai; việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý tài chính, ngân sách tại UBND huyện Krông Pắk đã chỉ ra nhiều vi phạm.

leftcenterrightdel
 Thanh tra tỉnh Đắk Lắk phát hiện nhiều vi phạm trong quản lý đất đai, tài chính ngân sách tại huyện Krông Pắk.

Cụ thể, năm 2020, 2021, UBND huyện Krông Pắk lập điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, việc lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chưa sát với nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, của cấp huyện, cấp xã và hiện trạng sử dụng đất, tiềm năng đất đai và kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ trước đó.

Cũng trong giai đoạn trên, UBND huyện Krông Pắk đã chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất hộ gia đình, cá nhân 530 hồ sơ. Trong đó, Đoàn thanh tra đã chọn ngẫu nhiên 45/530 hồ sơ chuyển mục đích để kiểm tra. Qua đó cho thấy, có 17/45 hồ sơ khi cho phép chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất từ đất nông nghiệp trong thửa đất không có đất ở, các cơ quan thẩm quyền không thực hiện tách thửa và cấp Giấy CNQSDĐ mới cho từng thửa đất mới hình thành là không đúng quy định của pháp luật.

Trách nhiệm của những khuyết điểm nêu trên thuộc Chủ tịch UBND huyện, Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực; Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Krông Pắk Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Krông Pắk và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Nhiều vi phạm trong quản lý tài chính, ngân sách

Đối với việc thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý tài chính, ngân sách, pháp luật trong năm 2021, UBND huyện Krông Pắk cũng có một số khuyết điểm. Cụ thể, UBND huyện lập dự toán chi hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và của các cơ quan quản lý nhà nước năm 2021 và được UBND tỉnh giao dự toán, không trừ đi số biên chế phải giảm theo kế hoạch trong năm 2021 là 110 chỉ tiêu biên chế, tương ứng số tiền hơn 7,9 tỉ đồng, là không đúng theo quy định tại Thông tư 71 ngày 30/7/2020 của Bộ Tài chính.

leftcenterrightdel
 Kênh thủy lợi Đ3 (xã Krông Búk, huyện Krông Pắk) được đầu tư hơn 14 tỉ đồng nhưng hoạt động không hiệu quả, bị bỏ hoang nhiều năm. (Ảnh chụp năm 2021).

Theo giải trình của UBND huyện Krông Pắk, khi lập dự toán ngân sách năm 2021 tại thời điểm tháng 8/2020 UBND huyện không trừ số chỉ tiêu 110 biên chế phải giảm theo kế hoạch của năm 2021, tương ứng số tiền hơn 7,9 tỉ đồng. Nguồn kinh phí này, UBND huyện thực hiện dùng 50% bổ sung vào nguồn cải cách tiền lương, 50% còn lại để chi trả các chính sách an sinh xã hội do địa phương ban hành và tăng chi cho nhiệm vụ tăng cường cơ sở vật chất của lĩnh vực tương ứng, được quy định tại Thông tư 109/2020/TT-BTC ngày 25/12/2020 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021.

Đối với việc giao dự toán và quản lý, sử dụng kinh phí tại các đơn vị Văn phòng HĐND và UBND: Một số chứng từ chi thanh toán công tác phí giấy đi đường không có chữ ký của người đi công tác, kế toán; Trung tâm Truyền thông – Văn hóa - Thể thao huyện thanh toán mua sắm Máy camera Sony PXW-Z90V, trong hóa đơn mua hàng, hợp đồng mua bán không thể hiện xuất xứ của hàng hóa.

Các đơn vị lập dự toán và được UBND huyện giao dự toán nguồn kinh phí tiền lương, các khoản theo lương và kinh phí chi thường xuyên vượt so với biên chế được giao năm 2021, với tổng số tiền hơn 307 triệu đồng. Các đơn vị giải trình rằng, số tiền trên các đơn vị đã sử dụng chi cho hết cho các nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị trong năm 2021 và đã được Phòng Tài chính huyện thẩm tra phê duyệt quyết toán.

Theo Thanh tra tỉnh, các khuyết điểm trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND huyện, trưởng các đơn vị: Văn phòng HĐND và UBND huyện; Tài chính - Kế hoạch; Giáo dục và Đào tạo…và các cá nhân có liên quan thuộc thời kỳ được thanh tra cần phải chấn chỉnh, nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Ngoài ra, việc quản lý đầu tư xây dựng cơ bản cũng có nhiều vi phạm, khuyết điểm. Tại Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện: Công tác đấu thầu các dự án chưa hiệu quả, chưa đạt mục tiêu trong đấu thầu là tiết kiệm ngân sách; công tác khảo sát, thiết kế chưa chi tiết, cụ thể dẫn tới một số công trình phải cắt giảm, bổ sung khối lượng trước và trong quá trình thi công; một số công trình cống thoát nước thiết kế, thi công sâu hơn so với đất tự nhiên, không đảm bảo thoát nước trong mùa mưa; công tác lập, phê duyệt dự toán, quyết toán chưa chặt chẽ dẫn tới tính sai khối lượng, áp dụng sai định mức, đơn giá.

leftcenterrightdel
 Điểm cuối của kênh thủy lợi Đ3 người dân đối diện với cảnh "dở khóc dở cười" vì mặt kênh dẫn nước thấp hơn mặt ruộng. (Ảnh chụp năm 2021).

Công tác giám sát thi công cũng chưa được chặt chẽ, thường xuyên dẫn tới việc nhà thầu thi công thiếu khối lượng một số hạng mục so với thiết kế nhưng vẫn được nghiệm thu, thanh toán quyết toán tổng giá trị hơn 1,2 tỉ đồng.

Còn tại Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, công trình nâng cấp sửa chữa 2 cổng chào điện tử do Phòng Văn hóa và Thông tin làm chủ đầu tư. Một số hạng mục, nhà thầu thi công không đúng so với hồ sơ, bản vẽ thiết kế kỹ thuật thi công được duyệt.

Trên cơ sở kết luận nói trên, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở tài chính kiểm tra việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được UBND tỉnh giao dự toán nhưng không trừ đi số tiền biên chế phải giảm theo kế hoạch 2021 là 110 chỉ tiêu biên chế, tương ứng số tiền hơn 7,9 tỉ đồng, nếu có vi phạm kiến nghị xử lý theo quy định./.

Nguyễn Chính