WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp dịch virus Zika
Cập nhật lúc 22:07, Thứ năm, 10/11/2016 (GMT+7)
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo virus Zika có nguy cơ bùng phát tại khắp các nước châu Á - Thái Bình Dương. Tại khu vực Đông Nam Á ghi nhận 7/10 quốc gia có sự lưu hành virus Zika. Tại Việt Nam, đến nay đã ghi nhận 23 trường hợp nhiễm vi rút Zika tại các tỉnh như: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh, và 1 trường hợp ở Đắk Lắk trẻ 4 tháng tuổi nghi mắc hội chứng đầu nhỏ do virus Zika gây ra, một biến chứng khá hiếm của virus Zika nhưng cũng đủ để WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn cầu. (dịch virus , khẩn cấp , tuyên bố , Zika, WHO)
(BVPL) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo virus Zika có nguy cơ bùng phát tại khắp các nước châu Á - Thái Bình Dương. Tại khu vực Đông Nam Á ghi nhận 7/10 quốc gia có sự lưu hành virus Zika. Tại Việt Nam, đến nay đã ghi nhận 23 trường hợp nhiễm vi rút Zika tại các tỉnh như: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh, và 1 trường hợp ở Đắk Lắk trẻ 4 tháng tuổi nghi mắc hội chứng đầu nhỏ do virus Zika gây ra, một biến chứng khá hiếm của virus Zika nhưng cũng đủ để WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn cầu.
Sau khi có kết quả xét nghiệm 2 lần, Bộ Y tế đã phối hợp với Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và các cơ quan có liên quan tổ chức cuộc họp trực tuyến với Văn phòng WHO khu vực tại Manila (Philippin) và Văn phòng WHO Thái Lan để xác định nguyên nhân trường hợp trẻ mắc chứng đầu nhỏ. Qua quá trình xem xét về bệnh cảnh lâm sàng, các yếu tố về dịch tễ, xét nghiệm, kết quả chụp cắt lớp não bộ và dựa trên kinh nghiệm của WHO cũng như việc xác định 2 trường hợp trẻ mắc chứng đầu nhỏ do virus Zika tại Thái Lan. Hội nghị đi đến kết luận đây là trường hợp trẻ có triệu chứng dị tật bẩm sinh mắc chứng đầu nhỏ có nhiều khả năng nghi liên quan đến virus Zika và cũng là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam.
Theo PGS.TS Nguyễn Danh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương: virus Zika chỉ gây nguy hiểm đối với các bà mẹ mang thai trong 3 tháng đầu, còn từ tuần thứ 14 trở đi nếu thai phụ có nhiễm virus Zika cũng không ảnh hưởng gì tới sức khỏe của thai nhi. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là việc phát hiện thai nhi bị dị tật đầu nhỏ thường ở giai đoạn rất muộn và không có biện pháp can thiệp điều trị nào ngoài đình chỉ thai nghén.
Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng cho biết, biểu hiện đầu nhỏ là biến chứng không chỉ xảy ra đối với các thai phụ nhiễm virus Zika mà nó còn có thể là hậu quả của nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như: nhiễm virus (Rubella), vi khuẩn (Giang mai), ký sinh trùng (Toxoplasma)… hoặc do nhiễm độc, suy dinh dưỡng và yếu tố di truyền. Vì thế, để có thể giúp để chẩn đoán sớm biến chứng đầu nhỏ ở thai nhi thì điều quan trọng là các thai phụ cần đi khám đúng theo lịch hẹn đã quy định, đặc biệt là từ tuần thứ 16 đến tuần thứ 22 để đo cấu trúc hệ thần kinh.
Theo tin mới nhận, trường hợp em bé 4 tháng tuổi ở Đắk Lắk mắc hội chứng đầu nhỏ đã được khẳng định là do virus Zika gây ra. Đặc biệt, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phát hiện 400/20.000 mẫu muỗi tự nhiên mang virus này. GS.TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: “Chúng ta cũng nên kết hợp với các yếu tố dịch tễ học, các yếu tố nguy cơ để xác định xem khả năng mang virus Zika ở người này như thế nào. Trong thời gian tới, chúng tôi hy vọng sẽ làm những nghiên cứu, đặc biệt nghiên cứu về kháng thể tồn lưu ở trong quần thể người trong cộng đồng xem có khả năng đã mắc virus Zika từ trước hay không”.
Trước sự gia tăng về các trường hợp nhiễm virus Zika và bệnh nhi mắc chứng đầu nhỏ, ngành Y tế đã nâng mức cảnh báo phòng chống dịch bệnh do virus Zika lên cấp độ 2, đồng thời khuyến cáo phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu hoặc có ý định mang thai cần chủ động phòng ngừa để không bị nhiễm bệnh, đặc biệt là phòng tránh muỗi đốt.
Các chuyên gia WHO đánh giá, tình hình dịch bệnh do virus Zika trên thế giới vẫn đang có những biến phức tạp, hiện đã có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các trường hợp nhiễm. Ngày 11/10/2016, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo dịch bệnh do virus Zika đang có dấu hiệu lan rộng tại châu Á do sự phân bố rộng của véc-tơ truyền bệnh trong khu vực, gia tăng giao lưu, du lịch đến và đi từ các quốc gia có dịch và miễn dịch quần thể thấp.
Hiện nay, vẫn chưa có vaccine phòng virus Zika và cũng chưa có thuốc điều trị. Do đó, để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ có thai, phụ nữ dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. Phụ nữ mang thai, đặc biệt có thai trong 3 tháng đầu, đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng như: đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn. Bên cạnh đó, cần chủ động phòng, chống dịch bệnh một cách tích cực bằng cách diệt muỗi và lăng quăng.
Theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới, 80% những người bị nhiễm Zika không có triệu chứng. Những trường hợp có triệu chứng thường biểu hiện ở dạng nhẹ như sốt và phát ban, ngoài ra cũng có thể gây đau cơ và đau khớp, nhức đầu, đau sau mắt và viêm kết mạc (ngứa, đỏ mắt). Nhiễm virus Zika chỉ tạo ra triệu chứng nhỏ, nhưng di chứng của nó rất khó lường. Ngoài sự nguy hiểm cho phụ nữ có thai, gây ra dị tật đầu nhỏ, những nghiên cứu mới đây cho thấy có sự liên quan giữa virus Zika với hội chứng Guillain-Barré, một tình trạng mà hệ thống miễn dịch tự tấn công các dây thần kinh sau khi nhiễm virus, gây nên tình trạng yếu cơ và liệt.
PV
.