Làm việc với Ông, mọi người đều cảm thấy gần gũi, hầu như không có khoảng cách về tuổi tác, chức vụ, kinh nghiệm và vốn sống. Ông như Ông Bụt của ngành Y, luôn mang đến niềm tin vui, lạc quan yêu đời và hạnh phúc cho mọi người!
Viện sĩ (VS), BS Dương Quang Trung là nhân vật nổi tiếng, được nhiều người biết đến trong ngành Y của cả nước, không chỉ vì những công lao, đóng góp to lớn của Ông mà còn ở tầm nhìn xa rộng cho sự phát triển ngành và vượt lên trên tất cả là tấm lòng thương yêu người bệnh. Thật không ngoa khi các đồng nghiệp đều nhận xét rằng Ông là một trong những người có công lao to lớn trong sự phát triển ngành Y tế thành phố và các tỉnh phía Nam. Nhà nước và nhân dân đã ghi nhận những đóng góp của Ông qua việc phong tặng những danh hiệu cao quý nhất “Anh hùng lao động”, “Thầy thuốc nhân dân” và rất nhiều huân chương, huy chương, bằng khen các cấp. Do công lao đặc biệt trong sự phát triển ngành Y tế Việt Nam và thắt chặt tình hữu nghị giữa 2 nước Việt-Pháp, Ông đã được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm phẫu thuật Pháp và được cấp bằng TS danh dự tại Viện Đại học Nancy Pháp.
Góp phần đổi mới diện mạo ngành Y
Diện mạo của ngành Y tế TP.HCM có được ngày hôm nay phần lớn nhờ sự đóng góp của Ông. Từ năm 1975-1997 với cương vị Giám đốc Sở Y tế, ông đã xây dựng mạng lưới y tế TP.HCM trên cơ sở chương trình 5 dứt điểm của Bộ Y tế, xây dựng mô hình Chăm sóc sức khỏe ban đầu, chỉ đạo chương trình Phòng khám trẻ em lành mạnh.
Nhờ những mối quan hệ đối ngoại tốt đẹp, ngay trong thời kỳ đầy rẫy khó khăn của đất nước, ở những năm cuối thập niên 1980, Ông đã mạnh dạn gởi nhiều BS Việt Nam đi tu nghiệp ở Pháp và nhiều quốc gia khác. Các BS này đã phát huy rất tốt vai trò của mình trong việc xây dựng và phát triển ngành lên tầm cao mới. Trong suy nghĩ của Ông, khi đánh giá hay đề bạt cán bộ, Ông không phân biệt xuất xứ và thành phần, không chỉ chú trọng về học hàm, học vị… Tất cả mọi người đều được Ông quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện để phát triển, miễn là chịu khó học hành và sẵn sàng phục vụ quê hương.
Với tầm nhìn sâu xa, ông đã tạo ra bước đột phá khi thành lập các Trung tâm y tế chuyên sâu như Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Ung bướu, Ngoại khoa, Mắt, Tai-Mũi-Họng, Răng-Hàm-Mặt, Nhi, Phụ sản, Tâm thần, Bệnh nhiệt đới, Lao, Da liễu… vào năm 1985, tạo cơ sở và điều kiện cho sự phát triển sâu rộng và bền vững của các chuyên khoa. Các trung tâm này hiện là các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của cả miền Nam cũng như của cả nước, đạt trình độ cao về chuyên môn, điều trị, phục vụ tốt người bệnh cũng như làm tròn công tác đào tạo giảng dạy, nghiên cứu khoa học… Ông đã xây dựng thành công một trung tâm y tế chuyên sâu khác là Viện Tim, hợp tác cùng Hiệp hội Carpentier, hoạt động tốt trên 15 năm nay đặc biệt với cơ chế mới “tự quản và tự cân đối thu chi”. Đội ngũ cán bộ y tế trẻ Việt Nam của Viện đã mổ cứu sống cho hàng chục ngàn bệnh nhân bị bệnh tim mạch, đặc biệt các bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em và các bệnh lý mạch vành ở người lớn.
Song hành là những chương trình vận động các mạnh thường quân gây quỹ để phẫu thuật tim cho các trẻ em bất hạnh đã được phát huy. Một mốc son của ngành Y tế Việt Nam là vào năm 1989, ông đã tổ chức và chỉ đạo mổ tách rời 2 cháu song sinh Việt, Đức 7 tuổi, dính liền nhau ở ngực và bụng với hơn 70 cán bộ y tế huy động từ nhiều đơn vị. Thành công của ca mổ tạo tiếng vang lớn trên khắp thế giới, trình độ BS và công tác tổ chức của ngành Y tế Việt Nam được đánh giá cao. Cái nhìn của y tế thế giới về Việt Nam đã thay đổi! Hai trẻ Việt, Đức vẫn còn sống trong vòng tay thân ái của mọi người và niềm vui càng nhân lên gấp bội khi mới vài năm trước đây, Ông được mời làm Chủ hôn trong ngày cưới của Đức. Hạnh phúc của đôi trẻ làm ông thấy mình trẻ lại dù đã bước qua tuổi 80.
Ưu tư trước tình trạng dân số ngày càng gia tăng tại TP.HCM, trong khi đội ngũ cán bộ y tế tại các địa phương còn thiếu và yếu, năm 1989 ông đã vận động thành lập Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng Cán bộ Y tế TP.HCM (nay là Trường Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch), đào tạo BS theo phương hướng “Giải quyết các vấn đề sức khỏe, hướng về cộng đồng” và thực hiện nền “y khoa dựa trên chứng cứ”. Chương trình đào tạo theo tín chỉ và học phần, lấy sinh viên làm trung tâm. Mô hình Trường-Viện-Cộng đồng đã được thực hiện một cách hiệu quả. Hàng ngàn BS và cán bộ y tế xuất thân từ ngôi trường này đã giải quyết phần lớn bài toán về cán bộ ngành Y tế TP.HCM trong công tác chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật và điều trị bệnh cho bệnh nhân.
Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Khoa học Công nghệ Sở Y tế, Ủy viên Hội đồng Khoa học Công nghệ TP.HCM, Ông đã tham gia chủ trì các công trình nghiên cứu có giá trị cao, trong đó có nhiều đề tài ngang tầm thế giới. Với vai trò Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Pháp, Ông đã có nhiều hoạt động nhằm củng cố, phát triển mối quan hệ hợp tác của 2 nước trên mọi bình diện văn hóa, khoa học kỹ thuật, nghệ thuật…
Ông Bụt giúp người không ngừng nghỉ
Khi đã nghỉ hưu, Ông được tín nhiệm cao vào chức vụ Chủ tịch Hội Y học TP.HCM. Trên cương vị mới, dù tuổi đời ngày càng chồng chất, Ông vẫn góp sức cho các Hội chuyên khoa phát triển về tổ chức, chuyên môn cũng như y đức. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến “nghĩa vụ luận (hay nghĩa vụ luật) ngành y” nhằm tạo điều kiện cho việc chăm sóc, điều trị người bệnh đạt ở mức tốt nhất cũng như tạo được hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ ngành. Dưới sự lãnh đạo của Ông, hàng năm các Hội chuyên khoa thành phố đã phát triển không ngừng số hội viên, tổ chức rất nhiều đợt tập huấn nâng cao tay nghề cũng như các hội nghị khoa học trong nước, đăng cai tổ chức các hội nghị quốc tế, góp phần mình trong việc nâng cao uy tín của ngành Y tế Việt Nam.
Có thể nói, Ông làm việc không mệt mỏi. Ông như cánh chim luôn bay cao và bay xa, mang lại cho đời biết bao niềm ước vọng! Ông là người “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Ông không nề hà bất cứ việc gì, dù lớn hay nhỏ, miễn là có ích cho người, hữu dụng cho đời. Mọi người luôn gặp ở Ông nụ cười tươi hiền hòa, ánh mắt dịu dàng đôn hậu, luôn chú ý lắng nghe và đặc biệt luôn lạc quan, tươi trẻ. Ông sống giản dị, chân tình. Làm việc với Ông, mọi người đều cảm thấy gần gũi, hầu như không có khoảng cách về tuổi tác, chức vụ, kinh nghiệm và vốn sống. Ông như Ông Bụt của ngành Y, luôn mang đến niềm tin vui, niềm lạc quan yêu đời và hạnh phúc cho mọi người!
Chúng ta, trong và ngoài ngành Y, vô cùng thương tiếc trước sự ra đi của Ông vào lúc 17 giờ ngày thứ Bảy 22/06/2013 ở tuổi 85. Chú Tư không còn nữa! Ông Bụt của ngành Y đã về cõi vĩnh hằng! Nhưng, những ý tưởng, ước mơ hoài bão và tấm lòng của Ông đối với nhân dân, xã hội sẽ mãi mãi được phát huy và tồn tại để góp phần xoa dịu nỗi đau của bệnh nhân cũng như mang lại cuộc sống ấm no, dồi dào sức khỏe cho mọi người.
BS Lê Chí Dũng, Thầy thuốc nhân dân