Đó là thông tin được thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra tại Hội thảo quốc tế về quản lý, phòng ngừa và kiểm soát một số dịch bệnh do virus Arbo gây ra, được tổ chức vào các gày 12-13/6 tại Hà Nội.

 


Các báo cáo tại hội thảo cũng nêu rõ, sốt xuất huyết Dengue là một trong những bệnh truyền nhiễm có tốc độ gia tăng nhanh nhất trên thế giới. Theo ước tính của Tổ chức y tế thế giới (WHO), hiện nay có trên 2,5 tỷ người hay trên 40% dân số thế giới có nguy cơ mắc sốt xuất huyết; trong đó 1,8 tỷ người thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Ở Việt Nam, theo nhận định của Sở Y tế Hà Nội: “Chu kỳ dịch SXH thường 5 năm lặp lại một lần nhưng hiện nay chu kỳ này đang có vấn đề. So với cùng kỳ năm 2016, số ca mắc SXH trong năm 2017 đã tăng 2,6 lần dù chưa phải đỉnh dịch”. Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, SXH đã bắt đầu tăng trở lại sau khi đạt mức giảm sâu nhất từ đầu năm. Số người mắc SXH được ghi nhận trong tuần lên tới 233 trường hợp (tăng gần 7%) so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca bệnh từ đầu năm đến nay đã lên tới gần 8.800 ca.

Tổ chức Y tế Thế giới nhận định, các bệnh do virus Arbo được truyền từ muỗi Aedes là những căn bệnh khó phòng chống, không bị ngăn cách bởi biên giới các quốc gia, do vậy mà không một quốc gia thành viên ASEAN đơn lẻ nào có thể có những giải pháp phòng, chống căn bệnh này một cách hiệu quả và triệt để nếu không có sự liên kết lại.

Tại hội thảo, các đại biểu tập đã trung thảo luận một số vấn đề như: Khuyến nghị về các biện pháp can thiệp có cải tiến phù hợp với tình hình mỗi nước; thực trạng tình hình sốt xuất huyết tại Việt Nam và khu vực; các biện pháp cần triển khai để quản lý, phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, sự lây truyền dịch bệnh do muỗi Aedes trong khu vực...

Riêng tại Việt Nam, nhiều biện pháp phòng chống các bệnh di virus Arbo đã được tiến hành để ngăn chặn bệnh dịch. Ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam là một trong các nước ở khu vực lưu hành virus Arbo rất mạnh, do khí hậu nóng ẩm mưa nhiều và tập quán người dân nên có nhiều nguy cơ mắc các bệnh như viêm não Nhật Bản, zika, SXH.

Ở Việt Nam các giải pháp vẫn là tập trung giảm sát phát hiện sớm ổ dịch, phun hóa chất, hướng dẫn người dân ý thức phòng bệnh để giảm số mắc và giảm tử vong. “Việc quan trọng nhất là phải thay đổi tập quán của người dân trong việc tích trữ nước để diệt muỗi. Việc phòng chống bệnh SXH, zika vẫn là vấn đề nan giải của nhiều nước chứ không chỉ của Việt Nam” - ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
 

Theo Thảo Nguyên/Công lý

.