Việt Nam hiện có khoảng 8,7 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B và khoảng 1 triệu người nhiễm vi rút viêm gan C. Trong đó, đường lây truyền chủ yếu từ mẹ sang con (vi rút viêm gan B) và đường máu (viêm gan C).

Thông tin này được PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chia sẻ nhân ngày Viêm gan thế giới 28/7.

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B và viêm gan C cao trong khu vực và chịu hậu quả nặng nề với khoảng 57% xơ gan và 78% ung thư.

Và chỉ tính riêng năm 2015, ước tính có 23.000 người tử vong vi rút viêm gan B là khoảng hơn 23.000 người và hơn 6.000 người do vi rút viêm gan C.

 

 Tiêm vắc xin viêm gan B 24h đầu sau sinh là một trong những biện pháp ngừa mắc viêm gan B hiệu quả.
Tiêm vắc xin viêm gan B 24h đầu sau sinh là một trong những biện pháp ngừa mắc viêm gan B hiệu quả.


Trên thế giới, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, có khoảng 240 triệu trường hợp nhiễm vi rút viêm gan B mãn tính và khoảng 130-150 triệu trường hợp nhiễm vi rút viêm gan C mãn tính trên toàn cầu. Số trường hợp tử vong do viêm gan vi rút B và C ước tính mỗi năm là khoảng 1,4 triệu người.

Còn theo kết quả điều tra gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2013, viêm gan vi rút là nguyên nhân đứng hàng thứ 7 trong số các nguyên nhân gây ra tử vong cao nhất.

Mặc dù gánh nặng bệnh tật do viêm gan vi rút là rất lớn tuy nhiên chỉ có 5% bệnh nhân viêm gan mãn tính biết mình bị nhiễm và chỉ có chưa đến 1% được tiếp cập điều trị.

Theo TS Phu, đến nay, hai căn bệnh nguy hiểm do vi rút viêm gan B và C đều có thể dự phòng bằng tiêm ngừa vắc xin viêm gan B đầy đủ (đặc biệt liều trong 24h đầu sau sinh), kiểm soát nhiễm khuẩn trong quá trình chăm sóc sức khỏe, thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại cho những người tiêm chích ma túy.

Tuy nhiên đến năm 2015, dù độ bao phủ vắc xin viêm gan B tại Việt Nam đạt tới trên 95% nhưng tỷ lệ tiêm mũi đầu vắc xin viêm gan B sau sinh mới đạt 65%.

Còn với viêm gan C hiện chưa có vắc xin dự phòng, nhưng viêm gan C có thể được chữa lên tới 90% nhờ các thuốc mới có tác dụng trực tiếp lên vi rút viêm gan C. Tuy nhiên, việc tiếp cận với các thuốc này vẫn còn hạn chế do giá còn cao so với khả năng chi trả của nhiều người bệnh.

Hưởng ứng Ngày Viêm gan thế giới 28/7 năm nay, Bộ Y tế tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, truyền thông phòng chống bệnh viêm gan vi rút qua website của Bộ Y tế và mạng xã hội Facebook “Phòng chống bệnh viêm gan vi rút”.
 

Trong bối cảnh gánh nặng bệnh tật do vi rút viêm gan ngày càng trở nên nặng nề, tháng 3/2015, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch phòng chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2015-2019 (Quyết định số 739/QĐ-BYT) với mục tiêu giảm lây truyền vi rút viêm gan và tăng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh viêm gan vi rút, đưa Việt Nam trở thành một trong 36 quốc gia trên thế giới đã ban hành kế hoạch phòng chống viêm gan vi rút.

 

Theo Dân trí

.