Ngày 22/7, Bộ Y tế tổ chức hội thảo triển khai nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vắc xin COVID-19 tại Việt Nam.

Thông tin tại hội thảo, có 4 nhà sản xuất trong nước gồm VABIOTECH, POLYVAC, IVAC, NANOGEN đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển vắc xin COVID-19 bước đầu cho thấy kết quả khả quan, cố gắng cuối năm thử nghiệm lâm sàng

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, như IVAC, sử dụng công nghệ nuôi cấy trứng gà có phôi, IVAC đã sản xuất được vắc xin cúm, nay đang ứng dụng công nghệ này để sản xuất vắc xin COVID-19. Chúng tôi thấy cách làm này có tính khả quan, sẽ sớm đưa vắc xin này vào thử nghiệm lâm sàng vào cuối năm nay.

leftcenterrightdel
 Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, sẽ sớm đưa vắc xin COVID-19 vào thử nghiệm lâm sàng vào cuối năm nay.

Việc sản xuất vắc xin là ưu tiên của tất cả các Quốc gia, viện nghiên cứu, nhà sản xuất với hy vọng có thể ngăn chặn, khống chế, kiểm soát dịch bệnh và đưa cuộc sống trở về bình thường.

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận thấy, nếu không có vắc xin, với việc giao lưu đi lại thương mại bình thường thì cuộc sống không trở về bình thường như mong muốn. Và pháp hiệu quả nhất để thực sự đẩy lùi dịch bệnh này là vắc xin phòng COVID-19.

“Bộ Y tế rất quan tâm, chỉ đạo trong thời gian qua để làm sao Việt Nam sớm có vắc xin”- ông Nguyễn Thanh Long bày tỏ.

Trong bối cảnh đại dịch đang diễn biến phức tạp tại nhiều Quốc gia trên thế giới, việc nghiên cứu sản xuất và làm chủ nguồn cung cấp vắc xin phòng COVID-19 trong nước là hết sức quan trọng. Việc sản xuất vắc xin COVID-19 ở sẽ khó thành hiện thực nếu không có sự chung tay của Chính phủ, các cơ quan quản lý, các nhà sản xuất vắc xin, các nhà nghiên cứu, các hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học, các nhà tài trợ, các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam là 1 trong 42 quốc gia có thể sản xuất vắc xin. Với dịch bạch hầu ở Tây Nguyên, một số tỉnh miền Trung, Việt Nam hoàn toàn chủ động được việc sản xuất, cung cấp đủ cho nhu cầu của các địa phương.

Với COVID-19, trong nước hiện 4 nhà sản xuất, cơ quan nghiên cứu đang tập trung cho vấn đề này. Mỗi nhà sản xuất đi theo hướng khác nhau, bước đầu cũng cho thấy kết quả khả quan. Ông Long kỳ vọng có thể tự chủ được vắc xin. Vấn đề là cần thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu vắc xin để có vắc xin cho người Việt Nam, đồng thời có cơ chế đặc biệt để có thể tiếp cận nguồn vắc xin trên thế giới nhanh nhất.

Cũng phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đang dự thảo đẩy nhanh quá trình thẩm định, cấp phép đăng ký sử dụng vắc xin COVID-19 để năm 2021 có thể có vắc xin.

Theo đó, Bộ Y tế sẽ đề xuất rút ngắn thời gian các quy trình: Nghiên cứu sản xuất; Kiểm định; Thử nghiệm lâm sàng, Cấp phép lưu hành; Theo dõi sử dụng vắc xin . Cụ thể, ở một số khâu, việc theo dõi, kiểm định sẽ được rút ngắn về hồ sơ, thời gian và song song tiến hành nhiều khâu.

Tuy nhiên, dù rút ngắn thời gian nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng của vắc xin, có tác dụng phòng nhiễm virus COVID-19 dựa trên những bằng chứng khoa học, tuân thủ theo các nguyên tắc về đạo đức trong nghiên cứu y sinh học.

Lưu Ly