Việt Nam có 33 ngày không lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng
Cập nhật lúc 07:31, Thứ ba, 19/05/2020 (GMT+7)
Theo Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tính đến sáng nay cả nước đã trải qua 33 ngày không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Hiện cả nước có 324 ca nhiễm, trong đó có 263 ca đã khỏi bệnh.
Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 19/5 Việt Nam có 33 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Có tổng cộng 184 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 11.326, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 302; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 8.929; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 2.095 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 2 ca. Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2: 6 ca
Về bệnh nhân BN91, hiện sức khoẻ của nam bệnh nhân có cải thiện nhưng chưa có dấu hiệu hồi phục. Bệnh nhân nằm yên, an thần. Bệnh nhân được điều trị kháng sinh, kháng nấm. Hỗ trợ hô hấp mở khí quán ngày thứ 26, ECMO ngày thứ 43.
Bệnh nhân đang chờ kết quả cấy virus. Chiều ngày 18/5, bệnh nhân được đưa đi chụp CT- Scanner để đánh giá lại. Theo đó, để chuẩn bị cho phương án ghép phổi, bệnh nhân cần được chụp chiếu kỹ đánh giá tổng trạng sức khỏe. Khi có kết quả CT scan, Hội đồng chuyên môn thuộc Bộ Y tế sẽ hội chẩn với bệnh viện để quyết định phương án điều trị tích hợp cho bệnh nhân.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đánh giá, mặc dù trong hơn 1 tháng qua, Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc mới lây nhiễm trong cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng hiện nay rất thấp nhưng vẫn còn tiềm ẩn. Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới cũng gia tăng, khi các cơ quan chức năng Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các hãng hàng không trong nước sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước trên cơ sở diễn biến dịch bệnh trong nước và quốc tế, nguyện vọng về nước của công dân và năng lực cách ly tại các địa phương.
Một vấn đề đặt ra hiện nay là rất khó kiểm soát triệt để được người dân qua lại biên giới đường bộ thông qua đường mòn, lối mở nên luôn thường trực nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây nhiễm cho cộng đồng trong thời gian tới.
Việt Nam vẫn duy trì chiến lược phòng chống dịch từ trước đến nay đó là ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch triệt để. Tất cả công dân nhập cảnh về nước đều được cách ly, xét nghiệm, khi về nhà thì vẫn phải theo dõi sức khỏe.
Hoài Thu