Sau nhiều ca tử vong và gặp các tai biến nặng sau tiêm vắc xin, Bộ Y tế, cơ quan quản lý chất lượng vắc xin, thường né tránh vấn đề này và cũng chưa thừa nhận một ca nào tử vong do chất lượng vắc xin.

 

 Đang sử dụng vắc xin đã bị khuyến cáo không nên dùng

 
PGS.TS Đỗ Sĩ Hiển, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về sức khỏe cộng đồng - cho biết, hiện nay đã có 26 bệnh có vắc xin phòng bệnh nhưng trẻ em nước ta mới chỉ được sử dụng 9 vắc xin phòng bệnh (bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, lao, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, viêm đường hô hấp (Hib)). Nhiều vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm như: Viêm ruột, dạ dày cấp do Rotavirus, phế cầu, thủy đậu, Rubella, quai bị, cúm mùa, ung thư cổ tử cung... trẻ em VN chưa được dùng.
 
Có một thực tế rất rõ ràng là một số vắc xin đang sử dụng cho trẻ em thuộc thế hệ cũ như vắc xin ho gà toàn tế bào, vắc xin viêm não Nhật Bản sản xuất từ não chuột... đã được WHO khuyến cáo không sử dụng. Chính vì thế đã làm gia tăng các trường hợp bị phản ứng nặng, đặc biệt là tử vong sau khi tiêm.
 
Vì sao vắc xin Quinvaxem do Hàn Quốc sản xuất được tài trợ miễn phí cho VN nhưng lại không được sử dụng cho trẻ em Hàn Quốc? Vì trong thành phần vắc xin Quinvaxem có thành phần toàn tế bào có tới 3.000 kháng nguyên dễ gây các phản ứng phụ cho trẻ, trong khi vắc xin ho gà vô bào thế hệ mới tỉ lệ trẻ bị các phản ứng sốt, đau... rất thấp. Khi hàng loạt các tai biến xảy ra, ngành y tế lấy lý do khả năng tài chính còn hạn chế nên phải sử dụng vắc xin thế hệ cũ là thiệt thòi lớn cho trẻ em. Vắc xin viêm não Nhật Bản, vắc xin bại liệt uống... do Việt Nam sản xuất cũng trong tình trạng tương tự là những vắc xin thế hệ cũ, tỉ lệ các phản ứng sau tiêm chủng cao.
 
Theo khuyến cáo mới đây của WHO, sau nhiều năm sử dụng vắc xin, một số bệnh có vắc xin bảo vệ đang có chiều hướng gia tăng hoặc thay đổi nhóm tuổi, tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát. Rất nhiều nước cảnh báo ho gà, sởi, bạch hầu... có nguy cơ quay trở lại. Do vậy việc tiêm nhắc lại vắc xin là rất cần thiết, song điều này phụ thuộc vào loại vắc xin, nếu vẫn là  vắc xin thế hệ cũ thì sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả phòng bệnh, miễn dịch của cộng đồng.
 
Sản xuất thành công vắc xin nhưng chưa được thử nghiệm
 
GS Phạm Gia Khánh, Phó Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, đặt câu hỏi: Vì sao Nhà nước đầu tư không biết bao nhiêu tiền để xây nhà, xây khách sạn... vậy mà tại sao trẻ em chúng ta lại không được sử dụng vắc xin tốt nhất?
 
GS Nguyễn Văn Mẫn, chuyên gia hàng đầu về sản xuất vắc xin ở VN, bày tỏ bức xúc: Chúng ta đã sản xuất tự túc được nhiều loại vắc xin với chất lượng tốt, giá thành rẻ phục vụ cho chương trình tiêm chủng mở rộng. Vắc xin bại liệt uống sản xuất từ thận khỉ do các nhà khoa học VN nghiên cứu thành công và đã đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ từ năm 1985 và nhờ đó năm 2000 VN đã thanh toán được bệnh lại liệt. Nhưng hơn 10 năm nay vẫn sử dụng loại vắc xin bại liệt uống này trong khi việc nghiên cứu sản xuất vắc xin bại liệt tiêm thế hệ mới đã thành công vẫn đang mòn mỏi chờ các thủ tục hành chính để được phép thử nghiệm lâm sàng. Vắc xin viêm não Nhật Bản cũng vậy, các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công vắc xin viêm não Nhật Bản thế hệ mới từ tế bào vero nhưng cũng chưa được tiến hành thử nghiệm vì vướng thủ tục. Đây là điều hết sức vô lý.
 
Đầu tư cho tiêm chủng trẻ em ở VN năm 1994 là 12,5 tỉ đồng, đến 2013 đã tăng lên 240 tỉ đồng nhưng mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu và ngân sách nhà nước để mua vắc xin chỉ đạt khoảng 30%. Theo đánh giá của WHO và UNICEF, sự đầu tư của VN cho tiêm chủng ở mức quá thấp, chưa tương xứng với nhu cầu và hiệu quả mà vắc xin mang lại. Chủ trương tự sản xuất vắc xin được đề cao nhưng lại không được đầu tư thích đáng...
 
Có lẽ, các ý kiến xác đáng mà các chuyên gia y tế đưa ra tại hội thảo này đã phần nào làm rõ hơn về những nguyên nhân gây ra các trường hợp trẻ em bị tử vong, bị các phản ứng nặng sau khi tiêm vắc xin đang làm “nóng” dư luận trong những ngày gần đây.
 
Theo Ngọc Phương
Lao động