Các bác sĩ của phòng Bỏng (khoa Ngoại Chấn thương - Bỏng, BVĐK tỉnh) khẳng định, gần 20 năm qua, chưa khi nào bệnh nhân bị bỏng nhiều như thời gian gần đây. Đáng chú ý, bệnh nhân là trẻ em và người dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ lớn.

 

Điểm chung dễ nhận thấy trong các ca bỏng trẻ em là người lớn bất cẩn, để trẻ em tiếp xúc dễ dàng với tác nhân gây bỏng. Chiều 11.1, chị Dương Thị Bông, mẹ của bé Ngô Văn Tấn đang nấu cơm ở nhà bếp. Tấn từ nhà trên chạy xuống, nghịch ngợm kéo dây nối của bếp gas, bị nồi nước đang sôi sùng sục đổ cả lên người. Tương tự, Giáp Thành Lợi cũng bị bỏng trong lúc gia đình sơ ý. “Cả nhà đang chuẩn bị ăn cơm, Lợi đang chơi thì đi “xà lui”, vấp phải mâm cơm nên ngã nhào, ngồi trúng vào tô canh. Tô canh cúng nhiều dầu mỡ, mới hâm lại nên nóng vô cùng. Nước canh văng cả lên lưng”, anh Giáp Ngọc Minh, ba của Lợi, nhớ lại. Riêng Võ Thị Tuyết Nhi, trong lúc chạy trên sàn nhà bếp ướt nước, em bị trượt, va phải ấm nước sôi đang nấu. “Hai chị em con cùng nắm tay nhau chạy, may mà em trai con không bị làm sao”, Nhi hồn nhiên kể.      

Trong khi đó, phần lớn các bệnh nhân bỏng là người dân tộc thiểu số bị bỏng khi dùng lửa để sưởi ấm. Anh Đinh Văn Hải cho biết: “Tối nằm ngủ bên bếp lửa, ngủ mê mệt đến gần sáng thì thấy chân đau. Giật mình dậy thì chân đã cháy đen hết”. “Mấy ngày qua, trời lạnh ghê quá, nên nhà nào cũng đốt củi sưởi ấm”, Đinh Văn Sắc- anh trai của Hải, tiếp lời em.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quang Vinh, Trưởng khoa Ngoại Chấn thương - Bỏng, các ca bỏng là người dân tộc thiểu số được khoa tiếp nhận gần đây đều rất nặng. Dù điều trị thành công, bảo toàn tính mạng thì di chứng để lại cũng rất nặng nề. Còn với các bệnh nhi, việc điều trị rất khó khăn. “Sức đề kháng của trẻ thường kém, khi bị bỏng thường bị nhiễm trùng nhiễm độc, nặng hơn là nhiễm trùng huyết, dễ dẫn đến tử vong”, bác sĩ Vinh chia sẻ.

 

Theo Báo Bình Định

.