Tranh cãi virus Zika hay thuốc trừ sâu gây bệnh đầu nhỏ ở trẻ
Cập nhật lúc 23:28, Thứ ba, 16/02/2016 (GMT+7)
Trong một báo cáo mới đây, các nhà khoa học hoài nghi chính thuốc trừ sâu pyriproxyfen là thủ phạm gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh tại Brazil chứ không phải do virus Zika. (Tranh cãi , virus Zika , thuốc trừ sâu)
Trong một báo cáo mới đây, các nhà khoa học hoài nghi chính thuốc trừ sâu pyriproxyfen là thủ phạm gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh tại Brazil chứ không phải do virus Zika.
Theo Health Inquisitr, thời gian qua một nhóm nghiên cứu gồm các bác sĩ phối hợp với nhiều chuyên gia của Đại học Mạng lưới Môi trường và Sức khỏe đã sống cùng với người dân Brazil ở ngôi làng có đông trẻ sơ sinh bị dị tật đầu nhỏ. Qua quan sát, nhóm nhận thấy những khu vực người dân sử dụng nguồn nước sinh hoạt được cho thêm hóa chất trừ sâu pyriproxyfen để diệt virus Zika có sự gia tăng đột biến trẻ đầu nhỏ. Từ những chứng cứ thu thập được, các nhà nghiên cứu cho rằng chính hóa chất pyriproxyfen gây teo não ở trẻ sơ sinh chứ không phải virus Zika do muỗi truyền.
Quan điểm trên đã vấp phải chỉ trích gay gắt của tiến sĩ, chuyên gia miễn dịch Tirumalai Kamala. Bà dẫn ra 2 báo cáo khoa học gần đây được thực hiện bởi các nhóm độc lập chứng minh có "những bằng chứng rõ ràng và thuyết phục về sự hiện diện của virus Zika trong nhau thai và não của bào thai chết lưu, cũng như những đứa trẻ bị tật đầu nhỏ sinh ra bởi các bà mẹ được chẩn đoán nhiễm Zika trong 3 tháng đầu thai kỳ".
Ở góc độ khác, các bác sĩ Brazil ghi nhận vùng đông bắc nước này tập trung nhiều trường hợp trẻ bị dị tật đầu nhỏ nhất. Tại vùng này, hóa chất pyriproxyfen đã được thêm vào nước uống của người dân trong chiến dịch phòng chống muỗi truyền virus Zika. Pyriproxyfen là thuốc diệt côn trùng có khả năng gây dị tật ở ấu trùng muỗi. Hóa chất này đã được thêm vào nước uống của người dân Brazil trong 18 tháng qua nhằm ngăn chặt sự phát triển của loài muỗi mang mầm bệnh Zika.
Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý rằng các đợt bùng phát virus Zika trước đây đã xảy ra ở nhiều khu vực khác nhưng không có báo cáo về dị tật đầu nhỏ. Vì vậy giới chức y tế Brazil phải chịu trách nhiệm về vấn đề này khi họ cho thêm vào nước uống của người dân loại hóa chất diệt côn trùng pyriproxyfen.
Hiện chưa có thống kê chính xác về các trường hợp nhiễm virus Zika, song Bộ Y tế Brazil ước tính có thể từ 440.000 đến 1,3 triệu người đã nhiễm Zika trong năm 2015. Trong đó nhiều người nhiễm virus này có thể không biểu hiện triệu chứng hoặc chỉ thoáng qua.
Tiến sĩ Kamala khẳng định hóa chất pyriproxyfen đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều năm qua, nằm trong khuyến cáo cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới. Bà khẳng định chất này không gây độc cấp tính hay tồn dư trong cơ thể, do đó khó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Pyriproxyfen được sử dụng để diệt côn trùng trên cây trồng họ cam quýt ở Nam Phi, Israel, Italia, Tây Ban Nha và diệt kiến lửa ở California, Mỹ.
Tiến sĩ Kamala đặt câu hỏi về việc tại sao là hóa chất này được sử dụng rộng rãi trên thế giới trong thời gian dài nhưng không gây dị tật đầu nhỏ. Hơn nữa pyriproxyfen được thêm vào nước sinh hoạt của người dân trong các khu vực bị ảnh hưởng bởi Zika trong nhiều năm mà chưa từng xuất hiện trường hợp dị tật đầu nhỏ nào cho đến tháng 12/2015. Trả lời thắc mắc này, nhóm nghiên cứu cho rằng "liều lượng có thể là yếu tố quyết định". Người dân Brazil uống nước có pyriproxyfen trong một thời gian dài nên tồn dư một lượng lớn hóa chất này trong cơ thể, đặc biệt đối với thai nhi non nớt trong bụng mẹ.
Hầu hết cư dân ở các vùng dịch cũng không tin virus Zika chịu trách nhiệm cho sự tăng đột biến các trường hợp trẻ đầu nhỏ. Họ cho rằng chính văcxin rubella, muỗi biến đổi gene và thuốc pyriproxyfen mới là thủ phạm thực sự. Muỗi biến đổi gene đã được nuôi thả tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi Zika ở Brazil nhằm cho chúng giao phối với muỗi Aedes cái để tạo ra các thế hệ ấu trùng không còn khả năng sinh sản hay mang mầm bệnh. Các nhà khoa học kỳ vọng theo thời gian loài muỗi Aedes sẽ bị "tha hóa giống nòi và tuyệt chủng". Tuy nhiên các bác sĩ ở Nam Mỹ chịu trách nhiệm nghiên cứu khẳng định chiến dịch sử dụng muỗi biến đổi gene đã "thất bại hoàn toàn".
Virus Zika được ghi nhận đầu tiên vào năm 1947 tại khu rừng Zika của Uganda. Bệnh nhân nhiễm virus này thường bị sốt, nổi mẩn, đau cơ, nhức đầu, đau mắt. Phương thức lây truyền chủ yếu của Zika là qua trung gian muỗi Aedes (loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết). Một số bằng chứng cho thấy virus này có thể lây truyền qua đường máu, tình dục và từ mẹ sang con khi sinh, song rất hiếm.
Virus Zika tiếp tục được ghi nhận ở Nigeria vào năm 1954 và nhiều nước châu Phi, châu Mỹ, châu Á. Thái Lan cũng báo cáo một số trường hợp mắc bệnh này. Gần đây Bộ Y tế Brazil thông tin về virus Zika gây teo não ở trẻ sơ sinh đã dấy lên sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Theo báo cáo có hàng nghìn ca nghi ngờ mắc chứng não nhỏ, 40 trường hợp đã tử vong. Trong số trẻ sơ sinh mắc dị tật não nhỏ, có những bé xét nghiệm dương tính với virus Zika và một số âm tính.
Theo vnexpress
.