Hiện nay vẫn còn rất nhiều người chưa có BHYT và theo lộ trình tăng viện phí theo thông tư liên tịch 37 sẽ tăng thêm các yếu tố cấu thành giá viện phí.


Giá viện phí mới chỉ tính 3/7

Theo lộ trình BHYT toàn dân, từ nay đến năm 2020, giá viện phí sẽ đi vào tính đúng, tính đủ, theo đó giá viện phí sẽ bao gồm 7 yếu tố chi phí gồm: chi phí thuốc, vật tư trực tiếp; chi phí điện, nước, xử lý chất thải; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ; chi phí tiền lương, phụ cấp; chi phí sửa chữa lớn, khấu hao trang thiết bị; chi phí khấu hao nhà cửa; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học.


Giá dịch vụ y tế hiện nay mới tính một phần chi phí trực tiếp (3/7 yếu tố trực tiếp) do đó mỗi đơn vị thuộc bộ, ngành và mỗi địa phương có một bảng giá khác nhau nên giá thanh toán của BHYT đối với các bệnh viện cùng hạng (cùng trình độ, cơ sở vật chất, kỹ thuật...) khác nhau gây bất bình đẳng trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT...

Thông tư liên tịch Y tế - Tài chính số 37/TTLT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/03/2016 với gần 1.900 dịch vụ y tế được xác định mức giá thống nhất đang được coi là bước đi cơ bản cho lộ trình BHYT toàn dân. Giá các dịch vụ y tế được liên Bộ ban hành là mức giá cụ thể: giá khám bệnh theo hạng bệnh viện; giá ngày giường bệnh theo hạng và theo chuyên khoa; giá các dịch vụ kỹ thuật áp dụng chung cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh.

Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh gồm: Các chi phí trực tiếp như chi phí về thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế; chi phí về điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ; Chi phí phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật (phụ cấp đặc thù); Chi phí tiền lương theo lương ngạch bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Với các dịch vụ khám, chữa bệnh chưa được quy định mức giá cụ thể sẽ áp dụng theo mức giá của các dịch vụ được Bộ Y tế xếp tương đương về kỹ thuật và chi phí thực hiện. Thực tế sau khi ban hành Thông tư số 37, Bộ Y tế đã tiếp tục có nhiều đợt ban hành giá cụ thể, mỗi đợt hàng nghìn dịch vụ y tế để đến cuối năm 2016 cơ bản hơn 18.000 dịch vụ y tế đều có giá thống nhất, tạo thuận lợi cho việc áp giá thanh toán BHYT, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh ở mọi cơ sở y tế.

 

 Ảnh minh họa,
Ảnh minh họa,


Tăng theo tỷ lệ BHYT


Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết, việc thực hiện Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC về điều chỉnh mức giá viện phí đang được Bộ Y tế đề xuất thực hiện làm nhiều đợt, nhằm giảm tác động tới người dân và chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Theo lộ trình, từ nay đến cuối năm 2017 việc đưa lương nhân viên y tế vào giá viện phí sẽ được thực hiện tại các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc và dự kiến chia thành 5 đợt, nhằm giảm tác động tới người dân và chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Mỗi đợt điều chỉnh sẽ thực hiện ở 8 – 12 tỉnh thành.

Đợt đầu tiên sẽ được thực hiện vào cuối tháng 8/2016 tại các địa phương có tỷ lệ dân số tham gia BHYT khoảng 95%. Đợt 2 được thực hiện tháng 10/2016 tại các địa phương có tỷ lệ BHYT khoảng 90% và có mức tác động CPI thấp. Đợt 3 được thực hiện vào tháng 11/2016 tại các địa phương có tỷ lệ BHYT bao phủ 85% dân số. Đợt 4 thực hiện vào tháng 12/2016 ở các tỉnh có tỉ lệ BHYT trên 80% và đợt 5 vào tháng 1/2017 tại các tỉnh còn lại. Các cơ sở khám chữa bệnh ở Trung ương đóng trên địa bàn nào sẽ thực hiện mức giá viện phí có tiền lương cùng thời điểm với địa phương.


Ông Liên cũng khẳng định với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế này sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến người nghèo, người cận nghèo vì đã có BHYT chi trả toàn bộ hoặc phần lớn. Lý giải điều này, ông Liên cho rằng, năm 2015 Luật BHYT đã có nhiều thay đổi. Về cơ bản không làm ảnh hưởng đến 14 triệu người nghèo, đồng bào dân tộc, người sinh sống tại các huyện đảo, xã đảo, người có công với cách mạng, 9 triệu trẻ em dưới 6 tuổi... Các đối tượng này khi đi khám, chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% chi phí thay vì thanh toán 95%, đồng chi trả 5% như trước đây. Người cận nghèo cũng được giảm đồng chi trả từ 20% trước năm 2015 xuống còn 5% từ 2015.

 

Theo Infonet

.