Theo đó, trong quý IV năm 2018, thành phố sẽ triển khai đồng loạt tại 584 xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện, thị xã theo hình thức tiêm tại các trường mầm non, mẫu giáo. Việc tiêm bổ sung cho những trẻ được hoãn tiêm và những trẻ không đi học được thực hiện tại trạm y tế. 

Đối tượng tham gia tiêm lần này là toàn bộ trẻ từ 1 đến 5 tuổi sống trên địa bàn thành phố Hà Nội, trừ những trẻ đã tiêm vắcxin sởi-rubella, sởi-quai bị-rubella và thủy đậu trong vòng một tháng tính đến ngày tổ chức chiến dịch tiêm.

UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp từ thành phố đến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn, Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc có liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai chiến dịch tiêm; tổ chức hội nghị triển khai chiến dịch cho tuyến thành phố và tuyến quận, huyện, thị xã.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích ý nghĩa, tầm quan trọng, đối tượng, mục tiêu của chiến dịch, tác dụng, lợi ích của vắcxin, phản ứng có thể gặp phải sau tiêm chủng; thông tin kịp thời, chính xác tình hình triển khai chiến dịch: đối tượng tiêm, thời gian, địa điểm tổ chức tiêm...

Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn về mục đích, nội dung, cách thức tổ chức, giám sát chiến dịch cho 100% cán bộ tham gia công tác chỉ đạo, giám sát chiến dịch. Tập huấn về xây dựng kế hoạch, điều tra đối tượng, bảo quản, sử dụng vắcxin , tiêm chủng an toàn, phòng chống sốc phản vệ, giám sát phản ứng sau tiêm chủng, thống kê báo cáo cho cán bộ, nhân viên y tế tuyến quận, huyện, thị xã...

Sở Y tế Hà Nội là cơ quan thường trực, chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn trong công tác tổ chức thực hiện chiến dịch. Phối hợp, kiểm tra công tác tổ chức chiến dịch của các Sở, ngành, các quận, huyện, thị xã trước, trong và sau chiến dịch; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc tổ chức tiêm tại các trường mầm non, mẫu giáo; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các Sở, ngành, đoàn thể trong hoạt động truyền thông, khuyến khích người dân đưa con em đi tiêm chủng phòng bệnh...

PV