Những ngày gần đây, dịch đau mắt đỏ hoành hành tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, cùng nhiều địa phương khác trên cả nước, kèm theo đó là tình trạng "cháy" thuốc điều trị khiến không ít người dân lao đao
Dù ngành y tế đã phát thông cáo tuyên bố sẽ đảm bảo đủ thuốc "dập" dịch và khẳng định cấm tăng giá thuốc điều trị đau mắt đỏ nhưng một số cửa hàng vẫn lợi dụng tình trạng rối ren để "thổi" giá. Thậm chí, nhiều loại thuốc nhỏ mắt đã tăng giá gần gấp đôi song vẫn không có hàng.
"Cháy" thuốc điều trị
Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, từ năm 2008 đến nay, nước ta mới chứng kiến trở lại dịch đau mắt đỏ lớn như vậy. Sức lây lan của nó khủng khiếp đến mức khiến các bệnh viện mắt từ TW đến địa phương gần như luôn trong tình trạng quá tải vì phải căng mình đón bệnh nhân. Từ Hà Nội đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, TP.Hồ Chí Minh... dịch đau mắt đỏ oanh tạc khiến người dân không kịp trở tay.
Theo số liệu ghi nhận tại bệnh viện Mắt Hà Nội và bệnh viện Mắt Hà Đông, trong hơn 10 ngày qua, số bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám và điều trị bỗng nhiên tăng vọt, với gần 1.300 trường hợp. Tại bệnh viện Mắt Hà Nội, trung bình mỗi ngày, các bác sỹ tiếp nhận trên 300 bệnh nhân đến khám, điều trị với các triệu chứng liên quan đến đau mắt đỏ... Khoa khám bệnh của bệnh viện Mắt Hà Đông cũng ghi nhận khoảng 50 - 100 bệnh nhân, trong đó có đến trên 30% bệnh nhân đau mắt đỏ.
Trước tốc độ gia tăng nhanh của số lượng bệnh nhân đau mắt đỏ, tại một số hiệu thuốc trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra tình trạng "cháy" thuốc nhỏ mắt có chức năng chữa viêm kết mạc (phổ biến là Tobrex, Tobrin). Theo khảo sát của PV Người Đưa Tin, tại các cửa hàng thuốc trên phố Bạch Mai, Ngụy Như Kon Tum (Hà Nội), số người đến mua thuốc tăng lên đột biến. Rất đông khách hàng được hỏi đều cho biết đang cần mua thuốc nhỏ mắt để trị bệnh đau mắt đỏ. Tuy nhiên, không phải ai cũng đạt được mục đích, do một số cửa hàng đã cạn thuốc điều trị.
|
Dịch đau mắt đỏ đang hoành hành tại nhiều địa phương. (Ảnh minh họa) |
Trò chuyện với PV, nhân viên bán thuốc tại một cửa hàng trên phố Giải Phóng (quận Hoàng Mai) cho biết: "Bệnh nhân đến mua thuốc đông quá nên cửa hàng hết thuốc từ hai ngày nay rồi!". Khi chúng tôi đặt câu hỏi về việc liệu có hiện tượng "găm" thuốc để "thổi" giá, nhân viên này trả lời: "Đâu cũng thế thôi. Hết hàng từ hãng nên có đi khắp nơi cũng không có thuốc đâu. Mà cũng chưa biết khi nào có thuốc về đâu". Cũng theo lời của người này, nếu hết thuốc, các cửa hàng thường hướng dẫn người dân mua loại thuốc khác có cùng hoạt chất, cùng tác dụng điều trị để thay thế.
Tìm sang các khu vực khác để mua thuốc điều trị đau mắt đỏ, chúng tôi cũng đều nhận được câu trả lời tương tự. Chủ một cửa hàng bán lẻ thuốc trên phố Ngụy Như Kon Tum cho biết, vài tuần nay, thuốc Tobrex, Tobrin luôn trong tình trạng "cháy" hàng. "Nước muối sinh lý và các loại thuốc rửa mắt thông dụng thì không thiếu nhưng thuốc điều trị rất hiếm. Mới đây, khi tôi đến đại lý lấy thuốc điều trị đau mắt đỏ, họ cho biết chỉ cung cấp cho số lượng hạn chế và tăng giá vài nghìn đồng/lọ", vị này cho biết thêm.
Liệu có đủ thuốc dập" dịch?
Trái ngược với diễn biến khan thuốc ngoài thị trường, đại diện sở Y tế Hà Nội khẳng định: "Hà Nội không thể thiếu thuốc điều trị đau mắt đỏ". Theo lời vị này, sở Y tế đã có công văn yêu cầu các đơn vị tăng cường nhân lực, bàn khám, trang thiết bị và thuốc để kịp thời khám, điều trị, tư vấn cho bệnh nhân. Trước thông tin một số cửa hàng thuốc tuyên bố "cháy" hàng, đại diện sở Y tế khẳng định: "Việc này có thể nhằm mục đích để nâng giá thuốc. Người dân không nên lo lắng về vấn đề này".
Ở một diễn biến khác, cục Quản lý Dược (bộ Y tế) cũng vừa phát đi thông cáo khẳng định, ngành dược vẫn đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc nhỏ mắt và kháng sinh chống bội nhiễm trong điều trị bệnh đau mắt đỏ. Theo Cục trưởng Trương Quốc Cường, thời gian gần đây, dịch đau mắt đỏ đang diễn biến phức tạp và lây lan nhanh, đặc biệt tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tại nhiều tỉnh, thành khác như Hà Tĩnh, Cao Bằng, Lâm Đồng... dịch cũng bắt đầu xuất hiện. "Về nguồn thuốc, hiện có hơn 200 số đăng ký lưu hành, gồm cả các thuốc kê đơn và không kê đơn có thể phòng, chống dịch đau mắt đỏ. Nghiêm cấm việc lợi dụng bệnh dịch để tăng giá thuốc", ông Cường nhấn mạnh.
Nhận định về diễn biến của bệnh đau mắt đỏ trong thời gian tới, TS. bác sĩ Phạm Ngọc Đông, Trưởng khoa Kết, giác mạc (bệnh viện Mắt TW) cho hay, bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) hiện tại vẫn chưa có xu hướng thuyên giảm mà ngày càng lan rộng ở cả miền Bắc và miền Nam. Tại Hà Nội, mỗi ngày bệnh viện Mắt TW ghi nhận khoảng trên 300 ca đến khám với các triệu chứng ngứa, đau, khó chịu, mắt nhiều ghèn... khoảng 20% trong tổng số bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ.
Trước thực tế này, bác sĩ Đông khuyến cáo, đa số những trường hợp đau mắt đỏ là nhẹ không gây tổn thương nhãn cầu và không ảnh hưởng đến thị lực. "Tuy vậy, trong một số ít trường hợp có thể gây biến chứng, do đó nếu thấy trẻ bị đau mắt đỏ bạn cần đưa trẻ đi khám bác sĩ. Đặc biệt, bệnh nhân không tự ý mua thuốc chứa corticoid để tự chữa trị", vị này cho biết thêm.
TP.Hồ Chí Minh: Giá thuốc "tát nước theo mưa"
Trái ngược với Hà Nội, giá thuốc điều trị đau mắt đỏ tại TP.Hồ Chí Minh đang có nhiều diễn biến bất lợi cho người bệnh. Nhiều loại thuốc nhỏ mắt, sát khuẩn, kháng viêm chống bội nhiễm rơi vào tình trạng "cháy hàng" và "thổi" giá cao. Theo khảo sát, thuốc Tobrin đã đội giá từ 28.000 đồng/lọ lên 38.000 đồng. Thuốc Tobrex từ giá 44.000 đồng/lọ đã nhanh chóng bị thổi lên 60.000 đồng/lọ. Điều đáng nói, các loại thuốc như Tobrex, Tobrin, Cloraxin... chỉ được dùng theo sự kê đơn của bác sĩ vì chứa các hoạt chất Cloramphenicol; Ofloxacin; Tobramycin... Tuy nhiên, trên thực tế, do nhu cầu của người mua, một số cửa hàng đã bán một cách vô tội vạ để kiếm lời.
|
Theo Nguoiduatin.vn