Trong hơn 1 năm qua và mới đây 1 loạt cây xà cừ trên đường láng đã bị bóc vỏ. Điều tra của cơ quan chức năng cho thấy họ lấy vỏ xà cừ để chữa bệnh da ở chân. Trước ý kiến cho rằng vỏ xà cừ không có tác dụng chữa bệnh, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia y học cổ truyền về vấn đề này.

 


Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, đúng là vỏ cây xà cừ có khả năng chữa bệnh ngoài da nhưng chỉ được dùng ở dạng tắm. Tinh dầu và chất chát trong vỏ xà cừ có tác dụng se da, giúp nhanh khỏi.

Tuy nhiên, Lương y cũng khuyên không nên cạo vỏ cây xà cừ vì sẽ làm tổn hại đến cây trong khi có rất nhiều loại lá quả khác có tác dụng tương tự, thậm chí tốt hơn mà lại dễ kiếm như lá chè, mướp đắng, lá chân vịt….

Trao đổi nhanh với PGS.TS BS Chu Quốc Cường, Nguyên Giám đốc bệnh viện Y học cổ truyền, PGS Cường cho biết xà cừ chính là cây lim trắng và vỏ xà cừ đúng là có tác dụng chữa bệnh ngoài da. Tuy nhiên, bác sĩ cũng nhấn mạnh là bất cứ loại cây cỏ nào có vị chát cũng đều có tác dụng với bệnh ngoài da. Chất chát trong cây cỏ chính là tananh, có nhiệm vụ làm se da, giúp da nhanh lành.

Tuy nhiên, nếu dùng không đúng cách, đúng liều lượng sẽ gây ngộ độc do chất độc ngấm qua máu. Nhiều người nghĩ bôi ngoài da không gây nhiều ảnh hưởng nhưng thực tế là khi đã ngộ độc sẽ rất nặng.

Còn ThS Nguyễn Thị Hòa, Nguyên Phó GĐ TT Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội, Viện Dược liệu, cho biết xà cừ có tác dụng chữa bệnh ngoài da theo dân gian nhưng không nên đẽo cây vì có thể ảnh hưởng tới sức sống của cây. Thay vào đó, có thể thay thế bằng xuyên tâm liên (trị vảy nến, ngứa mụn nhọt), khổ sâm, canh châu (trị sởi, thủy đậu). Đó là những loại dược liệu đã được trồng phổ biến, có giá thành rẻ. Ngoài ra, cần kết hợp với các loại thuốc uống mới cho kết quả điều trị hiệu quả.
 

Theo Nhân Hà/ Dân trí

.