Em bé chui ra từ đâu; “cái ấy” của con trai cấu tạo bằng xương gì; khi bị xâm hại tình dục, cháu chỉ cần hét toáng lên thôi à?… là những câu hỏi của nhiều học sinh Hà Nội.
 
 
Nhiều năm nghiên cứu vấn đề giới tính cho học sinh, sinh viên. chuyên gia này cho biết: sức khỏe giới tính tình dục và tâm lý tình cảm cũng như những vấn đề liên quan đến tâm lý xã hội của tuổi vị thành niên là những chủ đề hiện nay đang được gia đình, nhà trường, toàn xã hội đề cập đến. Tuy nhiên để được hệ thống hóa toàn diện là một vấn đề rất khó thực hiện tại Việt Nam.
 
Mặc dù chưa được ngành giáo dục đưa vào trong nội dung giảng dạy tại trường học nhưng đã có một số gia đình tự tìm đến các trung tâm tư vấn giới tính mời các bác sĩ, chuyên gia về chia sẻ kiến thức cho con em mình. Theo bác sĩ Bảo, các đối tượng được trung tâm Sức khỏe Việt tư vấn hầu hết là học sinh các trường THPT tại Hà Nội khi chuẩn bị đi du học nước ngoài, vì ở đối tượng này có nhiều bước ngoặt trong cuộc đời cả về tâm lý cũng như sinh lý và nhận thức xã hội.
 
Những phút đầu của buổi chia sẻ, học sinh thường tỏ ra rụt rè, bỡ ngỡ, thờ ở không để ý, thậm chí có những người chủ quan nghĩ là mình đã biết hết. Thế nhưng, sau khi làm quen với các bác sĩ, được chuyên gia phân tích, nói chuyện thì những học sinh này đã có cái nhìn tích cực hơn, hăng hái tham gia, đặt câu hỏi cùng thảo luận.
 
Với những chủ đề nóng liên quan đến sức khỏe giới tính tình dục, các học sinh nam thường có những câu hỏi mang tính chất là mình đã hiểu vấn đề một cách chủ quan và tập trung nhiều vào hành vi tình dục như: thủ dâm có hại cho sức khỏe không? một tuần nên thủ dâm bao nhiêu lần?...
 
Còn các học sinh nữ thì ngược lại. Sau khi lắng nghe, những học sinh này đã đặt rất nhiều câu hỏi cũng như những băn khoăn, tò mò về giới tính; về những biện pháp bảo vệ bản thân như tránh thai, tránh bị xâm hại tình dục; tò mò về cấu tạo cơ quan sinh dục…
 
“Vòng kinh nguyệt tính như thế nào; cách phòng tránh thai; khi nào thì uống được thuốc tránh thai khẩn cấp; uống thuốc tránh thai khẩn cấp nhiều có bị ảnh hưởng gì không; làm thế nào để tránh bị hiếp dâm… là những câu hỏi thường gặp ở các bạn gái sắp đi du học. Ngoài ra, một số học sinh nữ còn tò mò về cậu tạo bộ phận sinh dục của bạn khác giới…”, bác sĩ Bảo nói.
 
Nhận xét về các học viên này, ông Bảo nhận thấy, nếu xét về góc độ giới tính cá nhân thì họ có một mức độ hiểu biết nhất định nhưng hầu như là không đầy đủ và hiểu chưa đúng. Còn về sức khỏe tình dục, tình dục nam nữ, vấn đề tâm lý giới tính thì đa số đều chưa hiểu rõ.
 
Nhìn nhận tổng quát của chuyên gia này cho thấy, dù đã trưởng thành về độ tuổi nhưng những hiểu biết về giới tính của lứa tuổi học sinh PTTH (từ 16-18 tuổi) tại Hà Nội còn nhiều hạn chế. Sự bao bọc, cẩn thận quá mức cần thiết của cha mẹ đối với con cái khiến kiến thức giới tính của các em là con số “không”.
 
“Đây có thể coi là một sai lầm đáng tiếc. Việc giáo dục giới tính cho các em có thể giúp các bạn trai không phạm sai lầm và các bạn gái bảo vệ được chính mình…”.
 
Theo Zing
.