Sáng nay, 3-3, Ban chỉ đạo phòng chống các chủng virus cúm gia cầm độc lực cao trên người đã họp tại Bộ Y tế và chính thức nâng mức cảnh báo cúm gia cầm ở Việt Nam lên giai đoạn đã có ca bệnh xâm nhập. Trong bối cảnh đó, tại Nam Định, cơ quan y tế đang theo dõi 70 người có tiếp xúc với đàn gia cầm mắc cúm A/H5N1.

 


Trong khi đó, dịch cúm AH7N1 trên người và gia cầm đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc và có nguy cơ xâm nhập vào nước ta bất cứ lúc nào. Điều lo ngại nhất là việc gia cầm mắc virus cúm AH7N9 sẽ không có biểu hiện gì của bệnh nên dễ gây tâm lý chủ quan. Bên cạnh đó, dịch cúm AH7N9 đang diễn biến phức tại Trung Quốc nên giá gia cầm ở nước này giảm mạnh, dẫn đến nguy cơ gia cầm nhập lậu vào Việt Nam sẽ gia tăng.

Đặc biệt, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, virus cúm A/H7N9 ở Trung Quốc đang biến chủng, thay đổi gen từ độc lực thấp sang độc lực cao nên nguy hiểm hơn nhiều. Dự kiến trong tháng 3 này, WHO sẽ hỗ trợ Việt Nam các test chẩn đoán nhanh để xét nghiệm nhanh bệnh cúm A/H7N9 đối với những người nghi mắc bệnh hoặc những người thường xuyên tiếp xúc với gia cầm tại cửa khẩu Lạng Sơn và chợ gia cầm Hà Vĩ (Thường Tín, Hà Nội).

Trước thực trạng đó, tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đề nghị nâng mức cảnh báo dịch cúm gia cầm tại Việt Nam  lên mức cao hơn, không dừng lại ở mức độ 1 nữa.

“Dù hiện chưa ghi nhận ca bệnh cúm gia cầm trên người ở nước ta nhưng chúng ta phải coi là đã có ca bệnh xâm nhập để triển khai đồng loạt các biện pháp phòng chống, không để có ca bệnh rồi mới làm. Tôi đề nghị Bộ NN&PTNT cũng phải nâng mức cảnh báo dịch cúm trên đàn gia cầm nên mức cao hơn, để có đối phó phù hợp” – Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, việc ngăn chặn triệt để việc nhập lậu gia cầm, phòng chống cúm AH7N9 đòi hỏi sự mạnh mẽ hơn, quyết tâm và quyết liệt hơn. Nếu như việc xâm nhập cúm AH7N9 vào Việt Nam thì sẽ phải tiêu hủy rất nhiều gia cầm và đời sống, sức khỏe của người dân cũng bị ảnh hưởng.
 

Theo Duy Tiến/ANTD.VN

.