Một bé 4 tuổi và một bé 7 tuổi ở Đăk Lăk vừa được Bộ Y tế ghi nhận mắc chứng đầu nhỏ song loại trừ nguyên nhân virus Zika.

 


Tiến sĩ Phu bày tỏ quan ngại: “Dịch bệnh Zika bùng phát, lo nhất là các thai phụ. Các bà mẹ không nên hoang mang nhưng phải biết cách chủ động phòng bệnh như mặc áo dài tay, xoa kem chống muỗi, ngủ màn ngay cả vào ban ngày...”.

Ông đặc biệt khuyến cáo các bà mẹ nâng cao ý thức khám thai định kỳ, trong đó 3 tháng đầu thai kỳ cực kỳ quan trọng. Phụ nữ dự định có thai, đang có thai đi đến vùng dịch thì phải thực hiện các biện pháp phòng chống, khi về nước có triệu chứng bệnh phải đến cơ sở y tế thăm khám ngay.

"Miền Bắc chưa phát hiện Zika nhưng bệnh có thể bùng phát, vì thế không được chủ quan, phải tăng cường giám sát, theo dõi, tư vấn cho thai phụ để có hướng xử trí phù hợp", tiến sĩ Phu nhấn mạnh.

Bệnh Zika thường nhẹ, người lớn nhiễm virus hầu như không có vấn đề gì và khỏi sau 4-5 ngày điều trị. Bệnh được khuyến cáo nguy hiểm với phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu vì biến chứng gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Chỉ khoảng 10% thai phụ mắc Zika sinh con mắc dị tật đầu nhỏ ảnh hưởng trí tuệ, vận động, nói năng, sinh hoạt.

Chứng đầu nhỏ ở trẻ còn có thể do nhiều nguyên nhân khác như nhiễm virus rubella, khuẩn giang mai, ký sinh trùng, nhiễm độc, suy dinh dưỡng, yếu tố di truyền…

Hiện Việt Nam đủ khả năng thực hiện các xét nghiệm phát hiện virus Zika. Các bệnh viện quận huyện ở TP HCM đang xét nghiệm và tầm soát virus Zika miễn phí từ nay đến hết năm.

Việt Nam đã ghi nhận có 9 bệnh nhân Zika, tập trung chủ yếu ở TP HCM (5), Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Dương, Long An mỗi địa phương một bệnh nhân.
 

Theo Phương Trang/vnexpress

.