leftcenterrightdel

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) 

Đây là trường hợp đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết trong năm 2018. Thông tin này được bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ngày 30/7. 

Số liệu từ Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, trung bình có khoảng 350 trường hợp nhập viện do mắc sốt xuất huyết mỗi tuần, có tuần lên đến 450 trường hợp. Đáng chú ý, mới đây một ca mắc sốt xuất huyết đã tử vong tại phường Hiệp Thành, Quận 12; là ca sốt xuất huyết tử vong đầu tiên của năm nay trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó, năm 2017, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 20.000 ca nhập viện do sốt xuất huyết và có 6 trường hợp tử vong. 

Theo bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, dù số ca sốt xuất huyết thời điểm này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017 nhưng số ca mắc bệnh này lại đang có xu hướng gia tăng theo mùa mưa; đỉnh của dịch bệnh có thể sẽ rơi vào tháng 10 hoặc tháng 11. Để ứng phó, ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt ngay khi mùa khô chưa kết thúc như: Ra quân phát động chiến dịch diệt loăng quăng, kêu gọi người dân hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết (15/6)… 

Đến nay, thành phố đã kiểm soát và xóa được nhiều điểm nguy cơ có thể phát sinh loăng quăng trong cộng đồng. Tuy nhiên, bác sỹ Nguyễn Trí Dũng cảnh báo, càng tiến sâu vào mùa mưa, số lượng điểm có nguy cơ mới phát sinh chắc chắn sẽ gia tăng. 

“Hiện chúng tôi mới chỉ kiểm soát được các điểm nguy cơ ở nơi công cộng, còn những điểm nguy cơ ở trong các hộ gia đình như bể cá, bình bông, ly nước để trên bàn thờ, lu chứa nước… rất dễ phát sinh loăng quăng; vì vậy cần sự chung tay, ý thức phòng ngừa của mỗi người dân,” ông Nguyễn Trí Dũng cho hay. 

Cùng với dịch bệnh sốt xuất huyết, trong 7 tháng đầu năm 2018, Thành phố Hồ Chí Minh còn ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh sởi ở 4 quận, huyện. Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, các ca mắc bệnh sởi không có mối liên hệ với nhau và đến nay cũng chưa phát sinh thêm ca bệnh ở những địa điểm này./. 

TTXVN/vietnam+