Tăng viện phí khám chữa bệnh: Hướng đến quyền lợi của người bệnh
Cập nhật lúc 20:10, Thứ sáu, 11/03/2016 (GMT+7)
Từ ngày 1.3, Bộ Y tế đã quyết định tăng viện phí lên 30% so với trước đây. Trước thông tin này, nhiều người bệnh đang rất lo lắng. Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với các bên liên quan để làm rõ hơn về vấn đề này. (viện phí, bệnh nhân, bệnh viện)
Từ ngày 1.3, Bộ Y tế đã quyết định tăng viện phí lên 30% so với trước đây. Trước thông tin này, nhiều người bệnh đang rất lo lắng. Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với các bên liên quan để làm rõ hơn về vấn đề này.
Trong đợt tăng viện phí này, người bệnh có BHYT được hưởng lợi ở nhiều dịch vụ y tế. Ví dụ như giá chụp CT scanner 64 dãy theo hình thức xã hội hóa là 2,5 triệu đồng nhưng BHYT chỉ duyệt khung 1,7 triệu đồng nên người bệnh có thẻ BHYT phải nộp chênh 800 nghìn đồng. Nhưng từ ngày 1.3, giá chụp CT scnaner được BHYT duyệt tăng lên hơn 2,1 triệu đồng và từ 1.7 lên hơn 2,2 triệu đồng nên bệnh nhân chỉ phải nộp thêm lần lượt 333 nghìn đồng và 234 nghìn đồng. “Cái cốt yếu của Thông tư 37 chính là để giúp người bệnh tiếp cận được những dịch vụ y tế tốt nhất với giá đồng hạng. Như trước đây, giá khám chữa bệnh ở Quảng Nam chỉ bằng khoảng 60 - 70% so với cả nước, nhất là các dịch vụ ở Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh đều có giá rất cao. Tuy nhiên, khi đã có Thông tư 37 thì những bệnh viện này đều có giá ngang nhau tùy theo hạng. Như vậy, người dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ các dịch vụ y tế” - bà Liên nói.
Tuy nhiên, việc tăng giá viện phí ít nhiều cũng có ảnh hưởng đến các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, phải điều trị định kỳ hay dài ngày ở các bệnh viện như bệnh tim, suy thận hay lọc máu… Bà Lê Thị Lại (trú xã Tam An, huyện Phú Ninh) cho biết, bà bị bệnh tim hơn 10 năm nay, cứ định kỳ hàng tháng phải đến bệnh viện để điều trị. “Trung bình mỗi lần tiến hành các kiểm tra định kỳ và thuốc uống thì mất chừng hơn 1 triệu đồng, trong đó BHYT đã chịu 80%, tôi chỉ thanh toán 20% còn lại. Giờ tăng giá thì hằng tháng tôi phải trả thêm hơn 100 nghìn đồng. Tuy nhiên, được tiếp cận với các dịch vụ mới, chất lượng hơn thì số tiền đó cũng chấp nhận được” - bà Lại cho biết. Cũng tương tự, ông Hồ Văn Hân (ở xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) cho biết, ông bị suy thận mãn tính nên thường xuyên phải sử dụng các dịch vụ để chạy thận. “Chưa biết là sẽ tăng nhiều hay không nhưng đối với nông dân chúng tôi, tăng đồng nào là tiếc đồng đó. Bởi chúng tôi phải chạy chữa thường xuyên, tăng ít nhưng kéo dài thì cũng là cả một vấn đề” - ông Hân tâm sự. Về vấn đề này, theo bà Liên, tỉnh đã có quyết định để hỗ trợ tiền đi lại, ăn ở, tiền đồng chi trả và tiền phải chi trả vượt không được BHYT thanh toán. “Như vậy, việc tăng giá lần này không ảnh hưởng gì nhiều đến kinh tế của người bệnh, ngược lại còn giúp họ được hưởng lợi nhiều hơn từ các dịch vụ y tế tốt” - bà Liên cho hay.
Theo Báo Quảng Nam
.