Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm 2021 đến ngày 6/4, cả nước ghi nhận 17.451 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó, có 4 trường hợp tử vong gồm: tại tỉnh Kiên Giang có 2 trường hợp, tỉnh An Giang có 1 trường hợp và tỉnh Long An có 1 trường hợp.
Trong đó, Số ca mắc bệnh tay chân miệng đã tăng 4 lần, so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu ở khu vực phía Nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành như: TP HCM, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang.
Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ - Ths.BS Huy Thanh Cho biết, trong quý I/2021, số ca mắc bệnh tay chân miệng khám điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ là 2.990 bệnh nhân (trong đó, TP Cần Thơ có 1.201 ca, các tỉnh thành khác 1.789 ca), còn điều trị nội trú là 629 bệnh nhân (trong đó, TP Cần Thơ 257 ca, các tỉnh khác đến nhập viện 372 ca), so với cùng kỳ quý I/2020 thì số ca mắc bệnh tay chân miệng đang tăng rất nhiều.
Cũng theo đó, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ - BS CKII Huỳnh Minh Trúc cho hay: trong quý I/2021, số ca mắc bệnh tay chân miệng trên địa bàn TP Cần Thơ so với cùng kỳ năm 2020 tăng , nhưng so với tính trung bình 5 năm gần đây thì số ca mắc bệnh tay chân miệng không tăng nhiều.
|
|
Các triệu chứng của bệnh tay chân miệng (ảnh minh họa). |
Năm 2020, nguyên nhân do TP Cần Thơ đang thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19 nên số ca mắc bệnh tay chân miệng trên địa bàn thành phố giảm rất nhiều. Trong thời gian sắp tới, CDC TP Cần Thơ sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở giáo dục về thực hiện công tác phòng chống dịch tay chân miệng, đặc biệt là nhà trẻ trên địa bàn thành phố. Đồng thời, tăng cường các hoạt động giám sát phát hiện sớm ổ dịch, xử lý triệt để tránh để dịch lây lan ra diện rộng.
Trước đó, ngày 6/4/2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã ký công văn khẩn gửi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng.
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là tại nhà trẻ, trường mẫu giáo; yêu cầu các cơ sở giáo dục phải có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng và có vị trí thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em thực hiện rửa tay bằng xà phòng.
Đồng thời, chỉ đạo ngành Y tế tăng cường các hoạt động giám sát phát hiện sớm ổ dịch, xử lý triệt để tránh để dịch lây lan ra diện rộng, tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị tại các bệnh viện, hạn chế việc chuyển tuyến các bệnh nhân trong khả năng điều trị nhằm giảm quá tải cho bệnh viện tuyến.