Dường như tất cả các loại bệnh tật đều có liên quan đến cá tính, đức tin, quan điểm sống, những nỗi lo sợ, mặc cảm cũng như cách nhìn nhận về môi trường sống - kết luận của giới y khoa và các nhà tâm lý học đã mở ra một cách phòng bệnh và chữa bệnh hiệu quả cho con người thông qua việc tự điều chỉnh tính cách và trạng thái tâm lý của bản thân.

 

 

Ung thư vì… sợ hãi

Buồn phiền, sợ hãi và u sầu ở phụ nữ có thể dẫn đến bệnh ung thư vú – Claudius Galen (130-200) – một trong những thầy thuốc nổi tiếng nhất thời cổ đại, nhân vật được mệnh danh là nhà ung thư học đầu tiên của nhân loại đã từng kết luận như vậy. Ngót 2000 năm sau, các nghiên cứu tiến hành ở Na Uy vừa được giới thiệu tại Đại hội Hiệp hội Bác sĩ tâm lý trị liệu Mỹ cũng có kết luận tương tự: Những cá nhân thường xuyên sợ hãi, hay rơi vào trạng thái u sầu, trầm cảm là đối tượng bị nguy cơ ngã bệnh ung thư đe dọa cao nhất.

Kết quả nghiên cứu 62.000 phụ nữ ung thư vú ở Na Uy cho thấy: Nguy cơ ngã bệnh u ác tính ở đối tượng phản ứng sợ hãi trước các tình huống trong cuộc sống cao hơn 25% so với đối tượng phản ứng bằng trạng thái tâm lý bình thường. Đó là vì, tâm trạng sợ hãi, u sầu hay trầm cảm đã gây ra trạng thái mất cân bằng giữa các estrogen, progestagen và prolaktyn – trạng thái thích hợp cho sự phát triển của những căn bệnh về vú bao gồm cả việc sinh ra các u lành và u ác tính.

Kết luận này một lần nữa khẳng định phương pháp chẩn đoán ung thư bằng trắc nghiệm tâm lý do hai nhà tâm lý học người Mỹ là Ronald Grossarth Maticek và Hans Eysenck khởi xướng từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, hiện đang được áp dụng ở nhiều bệnh viện là có cơ sở. Theo đó, họ khẳng định: Chỉ cần độc nhất dựa trên cơ sở những trắc nghiệm tâm lý, có thể chẩn đoán đối tượng mắc bệnh ung thư với độ chính xác lên tới trên 80%. Nghiên cứu cho thấy: Nếu trong vòng 5 năm liên tiếp, một người phụ nữ thường xuyên sống trong đau khổ với trạng thái tâm lý luôn căng thẳng và tiêu cực thì khả năng mắc bệnh ung thư vú hay ung thư buồng trứng là rất cao. Ung thư vòm họng, trái lại  - thường tấn công những đối tượng có thói quen dập tắt cảm xúc, những người nói giọng nhỏ nhẹ và điềm đạm…

Để phòng tránh và giảm nhẹ sự tiến triển của căn bệnh ung thư, đặc biệt là ở phụ nữ - những đối tượng mẫn cảm với nỗi sợ hãi và u uất, các nhà khoa học khuyên rằng, chúng ta nên cố gắng rèn luyện tính gan dạ, mạnh mẽ và duy trì, phát triển sở thích phiêu lưu, mạo hiểm.

 

Tâm trạng sợ hãi, u uất, đau khổ có thể gây ra nhiều bệnh tật ở phụ nữ, nhất là bệnh ung thư.

 

Mối liên hệ giữa cá tính và bệnh tật

Bác sĩ tâm lý trị liệu Mỹ L. Louise - tác giả nhiều cuốn sách nổi tiếng trong đó có cuốn “Bạn có thể cải thiện cá tính để phòng và chữa bệnh” từng khẳng định: thiên hướng tự nhận lỗi về mình với tất cả rủi ro xảy ra trong đời có thể dẫn đến chứng viêm khớp. Tâm trạng sợ hãi và trạng thái tâm lý căng thẳng xuất hiện bởi tâm trạng đó thường gây ra không ít bệnh viêm nhiễm cơ quan nội tạng, cảm giác đau đớn và thậm chí cả chứng hói đầu. Tiếp theo, việc duy trì những cảm xúc tiêu cực, trầm uất trong nhiều năm có thể dẫn đến tình trạng ung thư…

Những nghiên cứu của GS. Renee D.Goodwin thuộc Đại học Columbia, New York cũng chứng minh được rằng, người mắc chứng sợ hãi dễ bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori – thủ phạm gây ra đủ các chứng viêm nhiễm đường tiêu hóa. Những người có cá tính thuộc týp A (tham vọng thái quá và khao khát giành chiến thắng bằng mọi giá) thường hay bị nhồi máu cơ tim hơn người bình thường. Stress và những cảm xúc mạnh đóng vai trò quan trọng trong khả năng xuất hiện những bệnh như đau dạ dày, tăng huyết áp, đau lưng, viêm da, béo phì và thiếu máu…

Dưới đây là mối quan hệ giữa đặc điểm tính cách và những căn bệnh tương ứng với chúng mà các nhà tâm lý học đã đúc kết:

Nóng tính: Dễ cao huyết áp

Ngoại trừ nguyên nhân từ cuộc sống sung túc với nhiều thói quen sinh hoạt và ăn uống không lành mạnh, những người mắc bệnh tăng huyết áp cũng là những người có tính cách nóng vội, thiếu kiên nhẫn.

Hiếu thắng: Dễ viêm loét dạ dày

Căn bệnh đau dạ dày có mối quan hệ khá mật thiết với tâm lý, tình cảm và tính cách của người bệnh. Những người mắc bệnh này thường có những đặc điểm như hiếu thắng, thích tranh cãi, tính cách quá cẩn thận, tỉ mỉ. Đây cũng là những người rất cố chấp, tình cảm rất dễ bị xúc động, vui buồn thất thường.

Tâm lý không ổn định: Dễ mắc bệnh đau đầu

Hai căn bệnh đau đầu thường thấy nhất là đau đầu do căng thẳng và đau nửa đầu. Tâm lý rối loạn trong thời gian dài, tinh thần lo lắng, mệt mỏi dễ dẫn đến bệnh đau đầu căng thẳng. Bệnh đau nửa đầu thì có mối liên hệ khá lớn đến yếu tố tâm lý. Những người mắc bệnh này dễ có tâm lý không ổn định, quá cố chấp, bảo thủ, xử lý vấn đề thường thiếu linh hoạt, quan tâm cơ thể một cách cực đoan, bi quan, dễ bất mãn…

Hướng nội và ỷ lại: Dễ mắc bệnh suyễn

Những người bị bệnh suyễn thường còn có xu hướng nội tâm, bi quan và thường ỷ lại, mẫn cảm theo kiểu trẻ con và muốn được người khác quan tâm. Đây cũng là những người dễ thoái lui khi gặp khó khăn do không đủ tự tin, tình cảm không ổn định, thậm chí một việc rất nhỏ cũng có thể phản ứng một cách gay gắt.

Tinh thần lo lắng: Dễ mắc bệnh viêm da thần kinh

Viêm da là kết quả tổng hợp của nhiều kích thích tiêu cực, trong đó kích thích tinh thần, nhân tố tình cảm, áp lực quá lớn không thể giải tỏa, lao động mệt nhọc… cũng là những nguyên nhân quan trọng. Nhiều quan điểm cho rằng, nếu như trẻ nhỏ không được mẹ ôm ấp vuốt ve để kích thích da cũng có thể dễ dẫn đến bệnh viêm da.

   

Theo SK&ĐS