Nỗi đau, hậu quả do các vụ tai nạn giao thông để lại rất khủng khiếp và lâu dài. Nó khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh tang thương và khó khăn chồng chất. Thực tế này đòi hỏi mỗi người tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm luật giao thông vì sự an toàn của chính mình và người khác…

 


Gia đình chia ly, khó khăn chồng chất

Chiều 16-11, chúng tôi đến thăm gia đình bà Trần Thị Lự, ngụ tại ấp Bắc, xã Long Phước (TP.Bà Rịa), có con trai là Lê Văn Trí (24 tuổi) bị tử vong do tai nạn giao thông. Khi chúng tôi vừa nhắc đến tên anh Trí, bà Lự rơm rớm nước mắt: “Nó là đứa ngoan hiền, suốt ngày chỉ biết đi làm kiếm tiền lo cho cha mẹ. Vậy mà tai nạn giao thông lại cướp nó đi ở cái tuổi còn quá trẻ…”. Bà Lự cho biết, anh Trí là lao động chính trong nhà. Với nghề thợ hồ, mỗi tháng anh Trí kiếm được khoảng 3 triệu đồng để phụ giúp cha mẹ trang trải cuộc sống. Một buổi tối đầu năm 2014, trên đường đi làm về nhà, anh Trí đã bị tai nạn giao thông tại ấp Phước Hữu (xã Long Phước, TP.Bà Rịa) và tử vong. Từ ngày anh Trí mất, cuộc sống của gia đình hết sức khó khăn, cả hai vợ chồng bà đều đã già yếu không làm ra tiền. Hiện cả gia đình đang sống trong căn nhà tình thương do Nhà nước xây tặng.

Mặc dù đã 4 năm trôi qua nhưng bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (ngụ tại tổ 4, khu phố 1, phường Long Tâm, TP.Bà Rịa) vẫn bị ám ảnh bởi vụ tai nạn giao thông bất ngờ giáng xuống gia đình bà. Đó là tối 28-3-2010, trên đường đi thăm người thân bằng xe máy, vợ chồng bà bị một xe máy khác đi ngược chiều tông phải trên hương lộ 10 (xã Hòa Long, TP.Bà Rịa). Vụ tai nạn đã khiến chồng bà là ông Nguyễn Văn Việt tử vong do đa chấn thương, bà Nguyệt bị chấn thương cột sống. Từ ngày bị tai nạn giao thông, bà Nguyệt rất khó khăn trong việc đi lại và thường xuyên bị tăng huyết áp, ngất xỉu. Cuộc sống gia đình bà Nguyệt thường xuyên rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau, do người chồng - trụ cột kinh tế gia đình, qua đời. “Tai nạn giao thông đã khiến gia đình tôi chia ly, khó khăn chồng chất. Tôi mong muốn mọi người hãy tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước khi tham gia giao thông để không rơi vào hoàn cảnh giống gia đình tôi” - bà Nguyệt chia sẻ.

Không chỉ hai gia đình nêu trên, nhiều gia đình khác trên địa bàn tỉnh cũng đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề và lâu dài của tai nạn giao thông. Thiệt hại to lớn về nhân mạng là không gì bù đắp được. Di chứng thương đau của tai nạn giao thông là nỗi ám ảnh không thể xóa nhòa trong ký ức của nhiều gia đình.

Chung tay chia sẻ nỗi đau

Đến thăm các gia đình có người thân bị tử vong do tai nạn giao thông nhân dịp “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân bị tử vong do tai nạn giao thông 16-11”, ông Vũ Ngọc Thảo, Giám đốc Sở GT-VT, Phó trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh đã ân cần thăm hỏi, động viên và chia sẻ nỗi đau thương, mất mát mà các gia đình phải gánh chịu. Dịp này, Ban ATGT tỉnh tặng mỗi gia đình 2 triệu đồng tiền mặt và 1 phần quà trị giá 2 triệu đồng.

“Những vụ tai nạn xảy ra đã khiến nhiều người lâm vào cảnh tàn tật, nhiều gia đình mất đi người thân, vợ mất chồng, con mất cha… Đó là những nỗi đau không gì bù đắp được”, ông Vũ Ngọc Thảo chia sẻ. Ông Thảo cũng mong rằng mỗi gia đình, người thân của các nạn nhân tai nạn giao thông nói riêng, người tham gia giao thông nói chung cần xem đây như bài học đắt giá để từ đó có ý thức khi tham gia giao thông và chấp hành tốt các quy định của pháp luật về ATGT; đồng thời tích cực tuyên truyền cho những người xung quanh có ý thức và tuân thủ các quy định của pháp luật về trật tự ATGT. Ông Thảo đề nghị chính quyền địa phương và các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ những gia đình của các nạn nhân bị tai nạn giao thông có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vượt qua nỗi đau mất mát để tiếp tục có cuộc sống ngày càng tốt hơn.

 

Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

.