Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 500 vụ ngộ độc thực phẩm với 7.000 - 10.000 nạn nhân và từ 100 - 200 ca tử vong.

 


Nhiều chuyên gia nhận định, công tác quản lý an toàn thực phẩm hiện nay chưa theo kịp tình hình thực tế, một số quy định của Luật An toàn thực phẩm chưa chặt chẽ. Cụ thể, Điều 61 của Luật An toàn thực phẩm quy định Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ việc thực hiện quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm.

Song các Điều 63, 64 của Luật lại quy định phải có sự tham gia của các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương. Ngoài ra, trong thực tế, việc kiểm tra và quản lý thực phẩm từ nguồn gia súc, gia cầm còn có sự tham gia trách nhiệm của Cục Thú y và các Chi cục Thú y địa phương trên toàn quốc, dẫn đến những chồng chéo trong công tác, dễ phát sinh tình trạng không rõ cơ quan, đơn vị nào chịu trách nhiệm chính.

Tại địa bàn TP.HCM, vào những tháng cuối năm khi nhu cầu tiêu dùng cao, tình hình vận chuyển gia súc, gia cầm lén lút vào thành phố, trốn tránh sự kiểm dịch của cơ quan chức năng cũng tăng theo. Do vậy, người tiêu dùng rất dễ mua nhầm những thực phẩm gia súc, gia cầm không an toàn, nếu mua hàng tại những điểm kinh doanh không uy tín.

Ông Phan Xuân Thảo - Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM khuyên người tiêu dùng nên mua thịt gia súc, gia cầm ở những cửa hàng hoặc chợ chính danh, không nên mua ở những chợ tự phát, chợ tạm. Không nên vì một lợi ích nhỏ hoặc vì tiện lợi trong việc mua sản phẩm mà ghé tạt vào đâu đó để mua. Nên lựa chọn mua những sản phẩm đã qua kiểm tra, kiểm soát, có dấu, có bao bì tem nhãn để tránh thiệt hại đến bản thân và gia đình.

Ông cho biết, TP.HCM là nơi tiêu thụ sản phẩm, thực phẩm lớn của cả nước, nhưng việc kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh, thực phẩm còn nhiều hạn chế. Hiện nay, đối với nguồn cung tại chỗ, thành phố có thể quản lý được, còn đối với các loại gia súc, gia cầm từ các tỉnh đưa vào thì gặp nhiều khó khăn do các đối tượng vận chuyển luôn tìm đủ mọi cách để qua mặt đơn vị chức năng.

Trước thực trạng trên, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM cho rằng, bên cạnh việc ngăn chặn thực phẩm kém chất lượng xâm nhập vào thành phố, lực lượng chức năng cần phải kiểm soát các cơ sở sản xuất trên địa bàn và tại các chợ bán lẻ. Việc này phụ thuộc vào sự giám sát của các quận, huyện, bởi các địa phương nắm rõ địa bàn nhất.

“Song song với các biện pháp quản lý, cần phải tuyên truyền để người dân “tẩy chay” những sản phẩm kém chất lượng. Đồng thời cũng cần tuyên truyền nâng cao ý thức của bà con tiểu thương trong việc chấp hành tốt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” - ông Hòa nhấn mạnh.

 

Theo Đời sống & Tiêu dùng

.