Dễ thấy thú uống rượu – bia đã và đang lôi cuốn một bộ phận người dân. Nhiều người tìm đến rượu – bia như là một sở thích mà không hề hay rằng chính sở thích sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy trong đó có con đường ngắn dẫn tới “nhà thương điên” - bệnh viện tâm thần.
 


Ở Khoa H, chúng tôi ghi nhận trong tổng số 48 bệnh nhân điều trị thì có gần 30 trường hợp bị loạn thần do nghiện rượu – bia. Đáng bàn hơn khi số bệnh nhân bị tâm thần do rượu – bia đang nằm điều trị ở đây có xu hướng trẻ hóa. Nếu như trước đây, số bệnh nhân nghiện rượu vào viện để chữa trị loạn thần chủ yếu trên 35 tuổi, thì nay lứa tuổi 8x phải “an dưỡng” tại khoa H cũng đã xuất hiện nhiều hơn. Bệnh nhân V.V.P., SN 1983, ở huyện Việt Yên (Bắc Giang) là một ví dụ điển hình.

Theo bệnh án điều trị bệnh thể hiện, anh V.V.P. uống rượu từ năm 18 tuổi. Anh thường sử dụng rượu trong bữa ăn, lúc gặp bạn bè. Từ uống ít, dần dà, mỗi ngày anh uống khoảng 1,5 lít rượu. Khi thấy anh V.V.P. có biểu hiện run toàn thân, thường xuyên vã mồ hôi, tâm trạng lo âu, không quan tâm tới gia đình, công việc, chị T.T.Q. – vợ anh V.V.P. đã đưa anh V.V.P. đến Bệnh viện Tâm thần Hà Nội để điều trị từ lúc 15h40 ngày 21-12-2015. Tiếp xúc với chúng tôi, anh V.V.P. cho biết, sau khi rời khỏi bệnh viện, anh sẽ quyết tâm rời xa rượu – bia, bởi rượu – bia đã khiến anh không phải là anh nữa.

Thú uống rượu đã và đang lôi kéo một bộ phận người dân. Dạo quanh các tuyến phố có nhiều quán bia – rượu tọa lạc trên địa bàn thành phố Hà Nội vào thời điểm buổi trưa, tối như: Hoàng Quốc Việt, đường ven Hồ Tây, Hàng Cót, Phùng Hưng…một lượt, sẽ dễ thấy hình ảnh các bàn nhậu có đông thực khách nâng ly rượu, cốc bia chúc tụng nhau. Thú uống rượu – bia xuất hiện đã lâu, thế nhưng hiện nó đã và đang có xu hướng lôi cuốn giới trẻ.

Bạn Thanh Hải, 30 tuổi, nhà ở Ngọc Khánh, quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, nhóm bạn của Hải trong thời gian qua hễ gặp nhau, hoặc vào dịp Lễ, Tết là y như rằng sẽ tìm đến các quán nhậu để nâng ly rượu. Lúc này, rượu – bia như là thứ “gia vị” không thể thiếu được trong các cuộc gặp gỡ.

Thống kê của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho thấy, chỉ tính riêng trong tháng 12-2015, Khoa H đã điều trị cho 38 trường hợp bị loạn thần do rượu – bia gây ra. Hằng tháng, bình quân số bệnh nhân nghiện rượu bị loạn thần phải “an dưỡng” trong bệnh viện dao động trên 30 trường hợp.

Là người có thâm niên trong lĩnh vực khám và điều trị cho các bệnh nhân bị rối loạn tâm thần liên quan đến nghiện chất, bác sĩ Chuyên khoa II - Nguyễn Thị Kim Cúc, Phó trưởng Khoa H cho biết, thời gian qua, khoa tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do rượu. Số bệnh nhân này thường có những biểu hiện như bị ảo giác, hoang tưởng, rối loạn cảm xúc, thường xuyên có hiện tượng lo âu, hoảng sợ…

Khi bị loạn thần do rượu gây ra, người bệnh hay có những hành vi mất kiểm soát, muốn tấn công người khác, ghen tuông một cách vô cớ v.v... Để điều trị các triệu chứng loạn thần do rượu gây ra cho các bệnh nhân, các y, bác sĩ phải mất khá nhiều thời gian. Thông thường phải mất từ 2-3 tuần.

Trước thực tiễn trên, thiết nghĩ, ngay từ lúc này, những ai đã, đang và đứng trước nguy cơ bị thú rượu – bia lôi cuốn cần nhận thức rõ hệ lụy khôn lường đi kèm. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cũng nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại do rượu – bia gây ra cũng như kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, cung cấp rượu – bia trên thị trường.


Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc – Phó trưởng Khoa H, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội khuyến cáo, ngoài những nguy cơ về rối loạn hệ thần kinh, người sử dụng rượu không đảm bảo an toàn còn dễ gặp những căn bệnh nguy hiểm về gan, dạ dày… thậm chí nếu sử dụng các sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc, có nhiều độc tố nguy hiểm sẽ dễ dẫn tới hiện tượng ngộ độc rượu, thậm chí còn tử vong nếu như không được cấp cứu, chữa trị kịp thời.

 

Theo Công an nhân dân

.