Rượu bia tăng mạnh làm tăng ung thư ở VN?
Cập nhật lúc 21:18, Thứ sáu, 09/09/2016 (GMT+7)
Ngày 8-9, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố kết quả điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm thực hiện năm 2015 tại 63/63 tỉnh thành. (Bộ Y tế, người Việt, tăng ung thư, Tổ chức Y tế thế giới, rượu bia)
Ngày 8-9, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố kết quả điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm thực hiện năm 2015 tại 63/63 tỉnh thành.
|
|
Theo đó, rượu bia là chỉ số có mức gia tăng mạnh nhất trong 5 năm qua và đang bị nghi là yếu tố nguy cơ góp phần làm tăng ung thư tại VN. Trong đó, tỷ lệ nam giới uống rượu bia ở mức nguy hại ở mức trên 44%, trong khi con số tương ứng năm 2010 là khoảng 25%.
Theo bà Phạm Hoàng Anh, giám đốc Tổ chức Heath Bridge Canada và là một chuyên gia về ung thư, rượu bia là yếu tố nguy cơ dẫn đến 8 loại ung thư như miệng, thực quản, gan…
Cũng theo kết quả điều tra, chỉ có 19% người Việt từ 18 - 69 tuổi không có yếu tố nguy cơ nào mắc bệnh không lây nhiễm. Trong khi đó, ngay ở lứa tuổi 18 - 44 có đến 7,8% có trên 3 yếu tố nguy cơ, nhóm 45 - 69 tuổi tỷ lệ này là trên 21%.
Các yếu tố nguy cơ ở nhóm nam bao giờ cũng nhiều hơn nhóm nữ, do nam giới uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá và nhiều yếu tố nguy cơ khác.
Ở chỉ số thực hành dinh dưỡng và lối sống giúp giảm nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm, có trên 28% người ở lứa tuổi 18 - 69 không dành đủ thời gian cho các hoạt động thể lực (150 phút/tuần cho hoạt động thể lực ở mức trung bình), ăn quá ít rau, trái cây so với khuyến cáo.
Người Việt cũng dùng tới 9,4 gr muối/người/ngày, cao gần gấp đôi khuyến cáo của WHO là 5 gr muối/người/ngày. Đây là yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tăng huyết áp.
Theo ông Nguyễn Thanh Long, thứ trưởng Bộ Y tế, bệnh không lây nhiễm (gồm tim mạch, đái tháo đường, ung thư…) đang là nguyên nhân của 73% các ca tử vong, chi phí điều trị gấp 40 - 50 lần so với bệnh lây nhiễm.
Điều tra này là điều tra quy mô nhất từ trước đến nay để đánh giá nguy cơ dẫn đến bệnh không lây nhiễm ở VN.
Trong điều tra cũng có công cụ xác định tới 2025 muốn giảm các bệnh không lây nhiễm, VN phải giảm 25% về lạm dụng rượu, giảm 30% về lượng thuốc lá sử dụng, giảm 30% muối, tăng lượng rau xanh, trái cây và dành thời gian cho các hoạt động thể lực.
Theo hướng dẫn của ông Nguyễn Tuấn Lâm (chuyên gia của WHO), mỗi người nên dành 30 phút/ngày cho các hoạt động thể lực cường độ trung bình như đi bộ, tập dưỡng sinh, khiêu vũ, hoặc trung bình 15 phút/ngày nếu tham gia đá bóng, chơi tennis…
Ở VN, ông Tuấn Lâm cho rằng người dân vẫn còn dành ít thời gian cho hoạt động thể lực.
Theo Tuổi trẻ
.