Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng đã được Tổ chức Đối tác Rửa tay toàn cầu phát động lần đầu tiên vào năm 2008 nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của cộng đồng về tầm quan trọng của việc rửa tay bằng xà phòng như một biện pháp hiệu quả để phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ mạng sống của con người. Trong 16 năm qua, Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng đã được Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế và hơn 100 quốc gia trên thế giới tham gia hưởng ứng.

leftcenterrightdel
 Mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng 2024.

Chủ đề Ngày thế giới rửa tay với xà phòng năm 2024 là “Rửa tay với xà phòng – Tại  sao lại quan trọng” nhằm mục đích truyền thông tới đông đảo người dân, cộng đồng về tầm quan trọng của rửa tay với xà phòng; đồng thời kêu gọi những nỗ lực phối hợp hơn nữa của các cơ quan quản lý, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu về vệ sinh tay và cùng hành động để lan toả rộng rãi thói quen vệ sinh tay thường xuyên, mọi lúc, mọi nơi.

Theo bà Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế: Rửa tay với xà phòng không chỉ là hành động đơn giản hàng ngày mà còn là lá chắn mạnh mẽ trong phòng, chống các bệnh truyền nhiễm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, vệ sinh tay giúp bảo vệ hàng triệu sinh mạng mỗi năm khi được thực hiện đúng cách vào những thời điểm quan trọng và rửa tay với xà phòng có thể giảm thiểu tới 40% nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiêu hóa và đường hô hấp ở trẻ em.

leftcenterrightdel
 Các học sinh phấn khích với những câu hỏi trong lễ mít tinh.

Bài học từ đại dịch COVID-19 cho thấy, vệ sinh tay và rửa tay bằng xà phòng có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch tại cộng đồng cũng như phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế. 

Với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ban ngành Trung ương, UBND các cấp và sự nỗ lực của ngành Y tế, thời gian qua, tình hình dịch bệnh về cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc.

Tuy nhiên, một số dịch bệnh truyền nhiễm vẫn có diễn biến phức tạp và có nguy cơ gia tăng, nếu chúng ta không chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, tình hình bão, mưa lũ dự báo sẽ tiếp tục diễn ra, có nguy cơ làm gia tăng các dịch, bệnh truyền nhiễm liên quan đến nước sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân chưa bảo đảm trong và sau mưa lũ.

Chính vì vậy, việc thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân luôn là một biện pháp phòng, chống dịch quan trọng, đơn giản, dễ làm, hiệu quả cao trong công tác phòng, chống dịch.

Hoài Thu