leftcenterrightdel
Các bác sĩ đã bóc tách thành công khối bướu cổ nặng 1kg 

Bà H. (58 tuổi) đã bị bướu cổ từ nhiều năm nay. Bà từng được mổ 1 lần tại quê nhà (năm 1978). Đến năm 1985, khối u tái phát và lớn dần làm bà nhiều lúc thấy nghẹn, khó thở. Bà H. cũng đã ghé vài bệnh viện với hy vọng được mổ lấy khối u. Tuy nhiên, điều kiện chưa cho phép, lúc thì bệnh viện hẹn tới lui nhiều lần khiến ca mổ không thực hiện được và khối u cứ thế phát triển, cô khó thở nhiều hơn.

Giữa tháng 5/2019 bà H. đến khám tại khoa Ung bướu - Bệnh viện quận Thủ Đức. Qua xét nghiệm, bác Nguyễn Triệu Vũ – Trưởng khoa Ung bướu nhận định đây là trường hợp bướu giáp tái phát, khối u lớn gây đè dẹp khí quản, dính các mạch máu xung quanh, thòng sâu vào lồng ngực đồng thời bệnh nhân còn bệnh cao huyết áp và tiểu đường kèm theo. Các bác sĩ khoa Ung bướu đã tiến hành hội chẩn với các khoa Gây mê hồi sức, Hồi sức tích cực, Tim mạch và Nội tiết... nhằm chuẩn bị tốt nhất cho cuộc mổ.

Ca mổ được tiến hành khá suôn sẻ, mặc dù khối u nhiều năm đã bị chai cứng và xơ dính vào các thần kinh, mạch máu, thực quản… nhưng bác sĩ đã nhẹ nhàng bóc tách cắt trọn toàn bộ mô tuyến giáp và u, bảo vệ an toàn các cấu trúc quan trọng, ngăn không cho khối bướu tái phát. Toàn bộ khối u lớn 9x 18cm và cân nặng khoảng 1100g đã được bóc tách thành công. Hiện tại, bệnh nhân đang hồi phục tốt sau mổ.

Bướu cổ là từ được người dân dùng để chỉ các khối u vùng cổ, có thể là bướu của tuyến giáp, hạch, thần kinh, mạch máu…Trường hợp bà H. là bướu của tuyến giáp. Phần lớn trường hợp bướu giáp là lành tính, chỉ một số ít là ác tính. Bướu giáp có diễn tiến chậm chạp thường kéo dài trong nhiều năm do đó người dân không nên lo lắng về bệnh lý này, ngay cả ung thư giáp cũng có thời gian phát triển rất chậm và rất ít gây nguy hiểm do đó không cần phải siêu âm tầm soát bướu giáp khi không có triệu chứng.

Lê Sử