(BVPL) - “Hiện nay tỷ lệ nam giới không có “con giống” chiếm khoảng 10% trong những trường hợp vô sinh. Những cặp vợ chồng rơi vào hoàn cảnh này rất cần đến sự hiến tặng “con giống” từ những người đàn ông khoẻ mạnh” - Tiến sĩ (TS), bác sĩ (BS) Nam khoa Lê Vương Văn Vệ đã mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.
 


Một trường hợp gửi “con giống” khác là Tú (tên một số nhân vật trong bài được thay đổi), 28 tuổi. Lập gia đình chưa đầy một năm, Tú cảm nhận có những dấu hiệu bất thường về sức khoẻ, như thường bị ho ra máu. Đi khám ở Bệnh viện 108, các bác sĩ cho người nhà Tú biết, anh bị u phổi. Dù đã cố gắng không muốn cho anh biết, nhưng trước những thái độ lo lắng của người thân, Tú cũng linh cảm được mình đang mắc căn bệnh nguy hiểm và khó chữa. Trước khi lên bàn mổ, dù chưa biết đó là u ác hay u lành, nhưng bố mẹ, vợ anh đều suy sụp. Ca mổ buộc Tú phải cắt đi một lá phổi bên trái. Sau 20 ngày nằm điều trị, Tú ra viện. Về nhà được một tháng, sau khi được bồi bổ sức khoẻ để ổn định, bố mẹ mới cho Tú biết sự thật, là anh sẽ phải trở lại bệnh viện để trị xạ hoá chất. Anh phải truyền hoá chất trong 6 đợt, mỗi đợt cách nhau 20 ngày. Vợ chồng lấy nhau chưa có con, nay đứng trước căn bệnh hiểm nghèo, Tú cảm thấy mọi thứ như sụp đổ dưới chân mình nhưng anh vẫn ra vẻ bình thản, khuyên nhủ bố mẹ, và vợ không nên lo lắng nhiều. Vợ anh nghe lời khuyên của một chị bạn làm bác sỹ đã bàn với chồng gửi “con giống” vào Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn trước khi trị xạ hoá chất. Tú đã thực hiện điều đó sau một thời gian đắn đo...

Những trăn trở

 “Trong các nguyên nhân vô sinh do người chồng, thì vô sinh do bất thường “con giống” chiếm tỷ lệ khá cao. Vì lý do này, mà bệnh viện có ngân hàng tinh trùng, hiện đang cất giữ hàng ngàn mẫu “con giống” của những người hiến tặng (vô danh) và của những người gửi có lưu lại tên tuổi, để dành cho việc thụ thai sau này, như thụ tinh nhân tạo, hay thụ tinh trong ống nghiệm” – TS.Vệ nói. Các mẫu “con giống” hiến tặng vô danh hầu như là của các sinh viên, những người tốt nghiệp đại học trở lên, cao trên 1m65, cân nặng đủ tiêu chuẩn, chưa lập gia đình, và đặc biệt có “con giống” tốt, khoẻ. Họ đã tuân thủ nghiêm ngặt qua các xét nghiệm kiểm tra bệnh lý. Sau 3 tháng kể từ ngày hiến, các mẫu “con giống” được xét nghiệm lại một lần nữa để đảm bảo chất lượng.

Thực tế, nhu cầu xin “con giống” của các cặp vợ chồng vô sinh rất lớn, nhưng số người tình nguyện đi hiến thì rất hiếm, do nhiều lý do tế nhị. Như, không phải chàng trai khoẻ mạnh, có trình độ học vấn, chưa vợ nào cũng sẵn lòng đem “con giống” của mình tặng người không quen biết. Nhiều nam giới còn có tâm lý e ngại, cảm giác việc hiến tặng đem lại nhiều phiền toái, như qua nhiều khâu kiểm tra, xét nghiệm mất thời gian.

TS. BS Lê Vương Văn Vệ nhấn mạnh, hiến “con giống” là việc làm mang nghĩa cử cao cả, hết sức nhân đạo, đó là một nghĩa cử trao tặng hạnh phúc cho người khác. Bởi vậy, bệnh viện rất trân trọng những thanh niên tình nguyện đến hiến “con giống”. Sự quý trọng bởi lẽ, những “con giống” được hiến tặng này sẽ giúp những cặp vợ chồng vô sinh (do người đàn ông không có “con giống”) có con. TS Vệ cho biết thêm, những cặp vợ chồng hiếm muộn mong mỏi có con, Bệnh viện sẽ sẵn sàng nỗ lực hết mình để đem niềm vui đến cho họ.  
 

Nhã Trần

.