Nhìn thấy một chàng trai ăn mặc lòe loẹt, điệu bộ ẻo lả, mọi người thường cho là đồng tính, nhưng thực tế đó có thể là người chuyển giới từ nam sang nữ.
 


Định nghĩa một người nam không bao hàm việc người đó phải yêu nữ thì mới là nam, hay một người nữ phải yêu nam thì mới là nữ. Khoa học về giới và tính dục hiện nay ghi nhận có người nam có xu hướng yêu nam, người nữ có xu hướng yêu người nữ khác.

Bà Châu Loan cho biết, hiện nay có một số hiểu lầm phổ biến trong xã hội về người đồng tính và chuyển giới như sau:

1. Cứ nhìn bề ngoài thì biết người đó đồng tính hay chuyển giới

Thực ra để trả lời xem một người là đồng tính hay dị tính cần phải đặt câu hỏi “Người đó thường thấy yêu ai?”. Còn để biết xem một người chuyển giới hay không thì cần hỏi “Người đó cảm nhận giới tính của mình là gì? Khác hay giống với giới tính lúc mới sinh?”.

Hai câu hỏi trên không xét đến vẻ bề ngoài. Chuyện ăn mặc, phục sức hay điệu bộ, cử chỉ, cách xưng hô trong mối quan hệ yêu đương của một người không phải là căn cứ chắc chắn để nhận diện một người có xu hướng yêu ai và họ cảm nhận giới tính của mình là gì. Nó thuộc về khái niệm thể hiện giới và vai trò giới: Một người nam có thể có những mức độ nam tính khác nhau (không phải ai cũng cơ bắp, 6 múi, mặc quần áo màu tối, trụ cột gia đình). Một người nữ có những mức độ nữ tính khác nhau (không phải ai cũng tóc dài, mảnh mai, mặc quần áo màu sáng, nội trợ ở nhà).

Quan niệm nam tính, nữ tính cũng như các vai trò tương ứng trong mối quan hệ có thể thay đổi qua từng thời kỳ. Ngày nay, nhìn một người nam mặc áo hồng cũng chẳng thể nói được anh ta có xu hướng tính dục dị tính hay đồng tính, có chuyển giới hay không. Nhìn một người nữ cắt tóc tém cũng không khẳng định được cô ấy là đồng tính nữ, chuyển giới hay không.

Thực tế khi một người con trai ăn mặc điệu đà, cử chỉ ẻo lả, mọi người hay gọi anh ta là đồng tính. Cách gọi này chỉ đơn thuần là sự phỏng đoán, có thể đúng có thể không (có thể đó là người chuyển giới nam sang nữ chẳng hạn). Cho nên muốn biết chính xác hơn, cần tìm hiểu rõ về cảm xúc yêu và cảm nhận giới tính họ.

Chuyện thể hiện giới bề ngoài còn tùy thuộc vào cả sở thích thời trang, không gian, thời điểm, công việc của mỗi người. Nếu chỉ nhìn một người tại một lúc, một nơi nào đó thì không thể biết họ yêu ai và cảm nhận gì bên trong trái tim. Nhìn nhau là hành vi tức thời, còn để biết và hiểu rõ thì cần nhiều hơn một cái nhìn, cần phải có sự giao tiếp, đối thoại, quan tâm lẫn nhau.

2. Đồng tính là chuyển giới; chuyển giới là đồng tính

Đồng tính và chuyển giới thuộc về 2 khái niệm khác nhau: Đồng tính đề cập về xu hướng tính dục của con người (xu hướng dị tính: yêu khác giới; xu hướng đồng tính: yêu cùng giới). Trong khi chuyển giới nói về bản dạng giới của con người, từ đó phân chia thành người không chuyển giới tức là bản dạng trùng với giới tính lúc mới sinh. Người chuyển giới là bản dạng khác với giới tính lúc mới sinh..

LGBT là từ viết tắt chỉ nhóm người gồm đồng tính nữ (Lesbians), đồng tính nam (Gays), song tính (Bisexuals) và chuyển giới tính (Transgender). Trong đó 3 chữ cái đầu đề cập về xu hướng tính dục (đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính), còn chữ T (chuyển giới) là nói đến bản dạng giới của một con người.

3. Đã đồng tính thì không phải chuyển giới. Chuyển giới thì không phải đồng tính

Bản dạng giới và xu hướng tính dục là 2 khái niệm khác nhau nhưng không phải tách biệt theo kiểu loại trừ nhau. Cần có cách hiểu đúng là: Mỗi người đều có xu hướng tính dục và bản dạng giới của riêng mình, giống như ai cũng có màu tóc và màu mắt của riêng mình vậy. Từ đó, sẽ có những nhóm người khác nhau, chẳng hạn như:

- Người không chuyển giới (bản dạng giới giống giới tính lúc mới sinh) và yêu khác giới (xu hướng tính dục dị tính). Đây là trường hợp thường thấy trong xã hội. Ví dụ: Một người sinh ra là nữ, cảm nhận mình là nữ và yêu nam.

- Người không chuyển giới mà yêu cùng giới (xu hướng tình dục đồng tính). Đây là người không chuyển giới và là người đồng tính.

- Người chuyển giới (bản dạng giới khác giới tính lúc mới sinh) và yêu cùng giới (xu hướng tính dục đồng tính). Đây là người chuyển giới và đồng tính. Ví dụ: Một người sinh ra là nam, cảm nhận mình là nữ và yêu nữ. Đó là người chuyển giới đồng tính nữ. Trường hợp này là thiểu số.

- Tương tự, có người chuyển giới và yêu khác giới (chuyển giới dị tính). Chẳng hạn một người sinh ra là nữ, cảm nhận mình là nam và yêu nữ.

Tóm lại mỗi người mang một đặc điểm riêng về bản dạng giới và xu hướng tính dục. Hai khái niệm đó không phải là loại trừ nhau (có cái này thì không có cái kia) và cũng không phải là dành riêng (người này có, người kia không có). Đơn giản là trong dân số có những đặc điểm chiếm số ít (đồng tính, chuyển giới) hơn so với những đặc điểm khác (dị tính, không chuyển giới).

4. Đồng tính thì cứ đi chuyển giới để được kết hôn khác giới

Thực ra nhu cầu của người đồng tính là được yêu người mình yêu, là nhu cầu về mối quan hệ cùng giới. Còn nhu cầu của người chuyển giới là được sống với giới tính mình cảm nhận, nó thuộc phạm vi mỗi cá nhân.

Riêng với người chuyển giới đồng tính, họ cần được bảo vệ quyền theo cả 2 nhu cầu trên: Bản thân họ được sống với cơ thể như họ muốn, đồng thời khi yêu thì được yêu người cùng giới với mình.

 

Theo VnExpress

 

.