Sau khi mắc bệnh vẩy nến thể nang mủ, chị Nguyễn Thị Là trú tại thành phố Thái Binh, tỉnh Thái Bình luôn rơi vào trạng thái tự ti, mặc cảm nên tìm mọi cách để mong chữa được bệnh.
|
Bệnh vẩy nến không chữa khỏi nhưng nhiều người vẫn cố chữa không đúng khiến bệnh thêm nặng hơn. |
Tiền mất, bệnh mang thêm
Mỗi mùa chuẩn bị sang đông, chị lại nơm nớp lo sợ những mảng lớn da bong tróc. Chị Là tìm mọi cách để chữa bệnh. Dù biết bệnh mãn tính nhưng với bản thân chị chỉ cần bớt đau, rát vì da bong tróc là chị đã vui lắm rồi.
Có lẽ vì thế, hễ có ai bảo có thầy lang chữa bệnh giỏi, chị Là lại tìm đến họ. Cách đây hai năm, trên diễn đàn Webtretho có page dành cho những người bị vẩy nến, chị vui vẻ đăng ký tham dự. Với chị, đây là cơ hội để chị học hỏi kinh nghiệm cũng như các bài thuốc hay trong điều trị bệnh.
Nhờ bạn bè trong hội cùng bệnh, khổ vì bệnh, chị nhận được lời khuyên mua thuốc đông y dạng tán từ Campuchia uống. Chị Là thấy người trong hội cùng mắc bệnh vảy nến khuyên nên chị uống thử. Chị không ngần ngại gửi tiền bạn mua hộ từ Campuchia gửi về.
Sau khi uống thuốc, thời gian đầu, chị Là thấy đau nhức xương khớp, người mỏi mệt nhưng các lớp da bong tróc, nung mủ co rụm lại dần, không lan rộng như trước. Những lớp da non mỏng màu hồng xuất hiện. chị tin thuốc hiệu nghiệm nên trung thành uống nó. Mỗi tháng, chị mua hết 240 nghìn đồng tiền thuốc, so với người bị bệnh vẩy nến thì số tiền này là rẻ.
Tuy nhiên, càng uống thuốc chị Là càng thấy mệt mỏi, da vàng. Chị muốn bỏ thuốc nhưng sợ các vết bong tróc lại tiếp tục hành hạ nên càng cố gắng theo. Đến khi chị là bị sốt, sức khỏe yếu hơn, gia đình đưa lên bệnh viện khám bác sĩ cho biết chị bị nhiễm độc Asen do dùng thuốc nam.
Những viên thuốc dạng hoàn được thầy lang bào chế theo kinh nghiệm riêng không ai biết chất lượng như thế nào. Chỉ biết đến nay, chị Là nhiễm thêm bệnh.
Thuốc nam dởm chứa chì, asen...
Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai vẫn tiếp nhận các trường hợp ngộ độc asen từ việc dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc. Hiện nay, TS Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm chống độc cho biết có rất nhiều người đang tin dùng các loại thuốc nam “dởm” để tự chữa bệnh.
Trước đây, thông tin thuốc nam chứa chì, chứa Asen đã được cảnh báo nhưng người dân vẫn rất thiếu kiến thức, tâm lý có bệnh vái tứ phương khiến họ rơi vào cảnh tiền mất, tật mang.
Trong thuốc nam có chì, asen và có thể còn nhiều chất độc hại khác đã được gọi tên và nhiều chất khác chưa thể biết hết.
Asen là một kim loại nặng rất độc, khi vào cơ thể gây ra những căn bệnh cực kỳ nguy hiểm như ung thư bàng quang, gan, thận, ruột, da... làm rối loạn di truyền như đột biến gen... và còn có thể dẫn đến tử vong.
Asen hấp thu vào cơ thể sẽ được đào thải ra phần lớn trong vòng 1 tuần, nhưng vẫn để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến chức năng cơ quan nội tạng như tim mạch, tiêu hóa, sinh sản…
Đặc biệt là nhiễm asen mạn tính liều thấp trong thời gian dài sẽ dẫn đến những tổn thương mạn tính của các hệ cơ quan và dẫn đến những biến chứng nặng nề như vàng da, suy gan, thiếu máu, bệnh hạch to (u lympho)…
Thạc sĩ Đông y Vũ Quốc Trung cho biết, asen trong y học cổ truyền còn gọi là hùng hoàng. Hùng hoàng có chứa thạch tín và khi gặp nóng thì giải phóng thạch tín, vì thế nó được mệnh danh là “chất độc chết người”.
Hầu như không có bài thuốc nào dùng hùng hoàng theo đường uống, đặc biệt cấm không cho vào thuốc sắc; có thể làm viên hoàn nhưng cấm dùng đối với phụ nữ có thai kể cả dùng trong hay ngoài.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Hồng Trường – Hội trưởng Chi hội Vẩy nến Việt Nam, thành viên hội vẩy nến thế giới, cho biết bệnh vẩy nến là bệnh mãn tính, không thể nào chữa khỏi mà chỉ có thể giúp bệnh nhân tự tin hơn trong cuộc sống để kéo dài cuộc sống của họ.
Chính vì thế, các loại thuốc nam quảng cáo chữa được bệnh của các ông lang, bà mế chỉ là thông tin đồn. Người bệnh do thiếu kiến thức đôi khi lại rước bệnh vào thân. Chính vì thế, ông Trường cho biết để có thể điều trị bệnh vẩy nến bằng đông y, bệnh nhân nên vào các bệnh viện y học cổ truyền hoặc khoa y học cổ truyền của các bệnh viện lớn để được tư vấn.
Theo infonet