(BVPL) - Thuốc giả thường có giá thấp bất thường, số lô và hạn dùng không phù hợp với những người sử dụng theo cách thông thường.
Ở Việt Nam, từ số liệu của Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương, số lượng thuốc giả đã phát hiện trong năm 2011 là 31 mẫu trong đó 11 mẫu thuốc tân dược và 20 mẫu thuốc đông dược. Số thuốc trên bao gồm cả nhập khẩu và sản xuất trong nước và chiếm 0,09% mẫu lấy để kiểm tra chất lượng.
Cũng trong năm 2011 trong số 48.261 mẫu thuốc đã được tiến hành kiểm nghiệm chất lượng thì có đến 940 mẫu không đạt tiêu chuẩn.
Bà Nguyễn Thị Trúc Vân – Viện kiểm nghiệm thuốc Thành phố Hồ Chí Minh dẫn chứng, năm 2011, tỷ lệ thuốc giả thuốc kém chất lượng Viện đã kiểm nghiệm tại thị trường các tỉnh phía Nam chiếm tỷ lệ gần 12%, với 85 mẫu trong tổng số hơn 700 mẫu thuốc được lấy để kiểm tra. Số thuốc giả và thuốc kém chất lượng đã tăng lên gần 13% trong ba quý vừa qua.
Trong 9 tháng đầu năm, Viện kiểm nghiệm thuốc Thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra 571 mẫu thuốc và đã phát hiện 71 mẫu thuốc giả và kém chất lượng. Trong đó, thuốc làm giả và kém chất lượng nhiều nhất là đông dược và dược liệu (28 mẫu), đứng thứ hai là thuốc tân dược nhập khẩu (25 mẫu) và đứng thứ ba là thuốc tân dược sản xuất trong nước.
Nhiều loại thuốc giả đã được phát hiện như Ampicillin (Pháp), đông dược có trộn Paracetamonl, Prednisolon (Singapore), Nimesulid (Ấn Độ)…
Thuốc giả có thể gây chết người
Đánh giá về mức độ gây hại của thuốc giả, Thứ trưởng Quang cho hay, thuốc giả gây hại ở cả hai phương diện. Thứ nhất nó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nhà sản xuất, của các hãng dược phẩm chân chính. Thứ hai nó gây tác hại cho chính người dùng thuốc. Nếu thuốc giả không chứa dược chất hoặc chứa không đủ hàm lượng dược chất, người bệnh sử dụng có thể làm bệnh nặng thêm và thậm chí dẫn tới tử vong.
Nguy hiểm hơn, thuốc giả có chứa các chất độc gây nguy hiểm, người dùng bị tai biến, dẫn đến chết người.
Phó giáo sư Nguyễn Đăng Hòa - Phó hiệu trưởng trường Đại học Dược cho hay, thuốc giả có nhiều dạng khác nhau, nhưng kết quả cuối cùng là khi sử dụng thì bác sỹ và người bệnh gặp thất bại trong điều trị, tăng độc tính, tăng kháng thuốc, thậm chí cả tử vong.
Ông Hòa cảnh báo, nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong khoảng 1/10.000 đến 1/100.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả lại lên đến 1/10. Trong đó đáng nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc và dị ứng thuốc.
Vì vậy việc tăng cường nhận thức và cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng khi sử dụng thuốc giả được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu và có tính bền vững hiện nay.
Cách thức nhận biết thuốc giả
Tại hội thảo quốc tế "Thuốc giả: Từ thực tiễn đến hành động," diễn ra ngày 29/10 tại Hà Nội, ông Wilfird Rogé - Học viện quốc tế về chống thuốc giả của Pháp khuyến cáo người dân những cách thức để nhận biết thuốc giả.
Theo ông Wilfird Rogé, thuốc giả thường có giá thấp bất thường, số lô và hạn dùng không phù hợp với những người sử dụng theo cách thông thường. Chẳng hạn như những hộp thuốc giả thường đẩy ngày hết hạn của hộp thuốc lâu hơn. Bên cạnh đó, thuốc giả không thể thiết lập được kênh phân phối, bao bì và hạn dùng của hộp thuốc không thực hiện theo đúng quy định.
Đặc biệt, người tiêu dùng cần đọc kỹ những cảnh báo và tác dụng phụ kèm theo mỗi hộp thuốc. Thông thường, thuốc làm giả hay có báo cáo tác dụng không mong muốn mới trên một bệnh nhân hay báo cáo trên một bệnh nhân liên quan đến khiếm khuyết về chất lượng thuốc. Đó là những dấu hiệu cần thiết để người dân phát hiện ra thuốc giả./.
Theo Vietnam+