Nhà giàu cũng khó kiếm 'gạo xịn'
Cập nhật lúc 10:38, Thứ tư, 23/04/2014 (GMT+7)
“Bây giờ, sang nhất là có người nhà ở quê trồng lúa và gởi gạo lên Sài Gòn cho ăn, khỏi sợ gì hết!”, đó là tuyên bố “xanh rờn” của chị Ngọc Hạnh, giám đốc tiếp thị một doanh nghiệp mỹ phẩm lớn.
Ngoài lề một cuộc hội thảo, ông giảng viên trường đại học Cần Thơ gắn cả đời nghiên cứu chất lượng gạo, cười: “Nói thiệt là xứ mình đa phần là gạo sạch, nếu không thì làm sao mà xuất khẩu hết mọi nơi trên thế giới được. Khó như Nhật Bản kiểm định theo cái danh sách dài đến 500 loại hoá chất không được phép có nồng độ cao hơn mức cho phép thì cũng xuất ngon lành…
Còn lại sạch thì chỉ là một khái niệm, vì còn phải tính tới cách thức canh tác, giống gạo, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tỷ lệ sử dụng thuốc diệt cỏ và có khi muốn cho sạch quá nên chà thiệt kỹ, bóc hết trơn chất bổ dưỡng thì sạch cũng đâu có ý nghĩa gì nữa”.
Bởi vậy, ăn gạo sạch, có thương hiệu vẫn chưa phải là người “sành ăn gạo”, mà còn phải tìm cho được gạo “xịn”.
Nỗi buồn Nàng Nhen
Một trong những giống gạo “xịn” mà các chuyên gia đều thừa nhận, là gạo Nàng Nhen, một loại sản vật của đồng bào Khmer canh tác tại vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang. Khu vực này gọi là Tà Pạ, vốn là một thắng cảnh được hàng trăm huy chương ảnh nghệ thuật vì có cánh đồng lúa loang lổ nhiều màu sắc với hình ảnh con trâu kéo cày cực kỳ đẹp. Nhưng cái đẹp này lại không mang lại hạnh phúc cho những người trồng giống gạo ngon này. Mỗi năm họ trồng có một vụ, xong thì chở một xe phân bò tới đổ giữa đồng để cho gió mưa tự chăm bón. Giống gạo này lại có sản lượng thấp hơn hẳn các giống thần nông trĩu hạt.
Bởi vậy, anh Huỳnh Quang Vinh, dân An Giang, là một trong số ít dân học nước ngoài chịu về quê làm ăn, được bạn bè phân công: đi kiếm gạo đàng hoàng. Anh Vinh chạy xuống Tà Pạ, thu gom gạo của nông dân và gởi xe đò về Sài Gòn cho bạn bè với lời nhắn: “Ráng ăn, ráng quảng bá cho Nàng Nhen nó còn sống nhen, chớ giờ bà con Khmer cũng có người bỏ giống này để trồng theo kiểu công nghiệp thì buồn lắm…”
Cũng cùng một cách suy nghĩ của anh Vinh, là bà Phạm Thị Việt Nga, chủ tịch công ty Dược Hậu Giang. Năm nào cũng vậy, bà đặt sẵn cả một cánh đồng trồng lúa theo phương thức truyền thống, không can thiệp gì hết, để được chừng một hai tấn gạo, cho chở lên Sài Gòn tặng cho bạn bè, thân hữu với lời nhắn: “Người quê chỉ có tấm lòng…” Và cũng từ con đường này nhiều người nhờ vả đặt thêm gạo của quê bà Nga, vì “bà tiến sĩ dược mà trồng lúa thì chắc ăn rồi…”
Còn có ông Hồ Quang Cua, nguyên lãnh đạo sở Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, cũng tự lai giống và triển khai phương thức trồng lúa theo cách của mình. Cũng không được bao nhiêu, chục tấn gạo thì bạn bè trong ngoài nước nhào vô xâu xé một lát là cũng hết. Ông Cua đang tính chuyện mở rộng mô hình ra, để đảm bảo người nào cần cũng có gạo “rõ lý lịch” mà ăn...
Theo Thế giới Tiếp thị