Với tâm lý “không hết bệnh này cũng hết bệnh kia”, không ít người đang điều trị bệnh mãn tính theo phác đồ điều trị của bác sĩ đã tự ý dùng thuốc nam để mong mau khỏi bệnh. Thậm chí, có người còn dùng thuốc nam theo lời truyền miệng, không theo 1 đơn thuốc nào của lương y. Điều này thật sự nguy hiểm vì có thể khiến diễn biến của bệnh phức tạp và trở nên trầm trọng hơn. 
 
 
Theo ông T., ông đã dùng song song 2 loại thuốc trong thời gian khá dài (4-5 năm) nhưng căn bệnh viêm gan B vẫn không hề giảm. Nhiều lúc vì thời gian gấp rút, sợ không kịp uống đủ liều lượng thuốc trong ngày nên ông chỉ uống thuốc tây và thuốc nam cách nhau khoảng 2 tiếng. Ông cho biết, những lúc ấy cơ thể cảm thấy rất mệt mỏi, đầu óc cứ choáng váng, không đứng vững. Ông T. chia sẻ thêm: “Trong lần khám định kỳ gần đây, bác sĩ thông tin, bệnh viêm gan B của tôi gia tăng hơn trước. Bác sĩ hỏi tôi có tự ý dùng thêm thuốc nam không? Sau khi trả lời có, bác sĩ tỏ ra giận dữ và không cho tôi uống thuốc nam theo ý mình nữa vì có thể không hết mà còn làm bệnh trở nên trầm trọng hơn. Từ đó đến nay, tôi đã dặn người nhà không sắc thuốc nam nữa, tập trung điều trị theo phác đồ của bác sĩ”.
 
Cũng nghe lời mọi người “đồn” lá vối uống rất mát và trị bệnh gan rất hay nên cô hai Thêu (64 tuổi, ngụ Châu Thành) tìm mua cây giống về nhà trồng để hái lá nấu cho em mình uống hàng ngày. “Tôi nghĩ uống thuốc nam không khỏi bệnh này cũng hết bệnh kia nên chịu khó hái lá vối sắc hàng ngày cho em mình uống. Do bận nhiều việc nên thuốc sắc ra, em tôi chưa uống kịp thì để vào tủ lạnh, khi nào nhớ, nó sẽ lấy uống, chia nhỏ thành nhiều lần trong ngày. Nhưng gần đây, nghe nó hay than bị chóng mặt, ăn uống không ngon tôi đã ngưng sắc thuốc vài ngày xem sao”- cô hai Thêu nói.
 
Lương y Trần Văn Liêm, Chủ tịch Hội Đông y phường Mỹ Long (TP. Long Xuyên) khẳng định: “Việc tự ý dùng thuốc nam điều trị bất cứ bệnh gì cũng điều không tốt cho sức khỏe người dùng. Có thể, người nào đó uống thuốc đông y theo toa thầy thuốc thấy khỏi bệnh nên muốn “làm phước” đã chỉ đúng toa ấy cho người khác có bệnh tương tự như mình. Đó là sai lầm, hầu như rất nhiều người mắc phải. Bởi, cơ địa mỗi người mỗi khác, chưa kể đến chuyện giới tính và nhóm máu cũng chi phối rất nhiều trong việc thầy thuốc ra toa điều trị chính thức. Vậy nên, nếu dùng thuốc không đúng người, đúng bệnh thì có thể làm bệnh chuyển nặng, thậm chí là tử vong. Vì thế, điều quan trọng trước tiên là người bệnh cần đi xét nghiệm máu và đưa thầy thuốc xem kết quả để biết chính xác bệnh tình trước khi ra toa điều trị kết hợp giữa đông y và tây y”.
 
Xét theo góc độ tây y, bác sĩ không đồng tình việc người bệnh tự ý điều trị thuốc nam mà không qua chẩn đoán, kê toa của lương y ở các cơ sở có uy tín. Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Sử, Trưởng phòng Y tế TP. Long Xuyên, cho biết: “Nếu người bệnh viêm gan B tự ý dùng thuốc nam, nhất là những bài thuốc truyền miệng, chưa qua công trình nghiên cứu lâm sàng thì ảnh hưởng rất lớn đến chức năng gan. Điều này có thể đẩy nhanh quá trình tổn thương gan, dẫn đến xơ gan, nặng hơn có thể ung thư gan. Nếu muốn dùng kết hợp đông y và tây y, người bệnh nên đến các cơ sở y tế được cấp phép hoạt động để được khám, chẩn đoán bệnh. Có như vậy, thầy thuốc mới có phương pháp điều trị phù hợp với từng cá thể”.
 
Theo Phương Lan (Báo An Giang)
.