Trong khi một số công ty thương mại đang tích cực đưa giống cây trồng biến đổi gene (GM) vào sản xuất diện rộng, trong đó có Việt Nam, thì nhiều nhà khoa học, di truyền học đã kịch liệt phản đối việc phổ rộng những loại cây trồng này.
Lợi nhuận khổng lồ
Thống kê của Viện Lúa gạo quốc tế IRRI cho thấy, lúa gạo là loại ngũ cốc quan trọng chủ lực của thế giới, với phân nửa dân số thế giới phụ thuộc vào loại lương thực này. Hiện, diện tích trồng lúa toàn cầu vào khoảng 146 triệu ha, chiếm 10% diện tích đất canh tác. Sản lượng lúa toàn cầu hàng năm vào khoảng 535 triệu tấn, tuy nhiên, chiếm đến 91% sản lượng này được sản xuất tại châu Á. Với khoảng 3 tỷ người sử dụng gạo, lợi nhuận hứa hẹn sẽ rất cao cho bất kỳ công ty hoặc tập đoàn nào sở hữu giống lúa mới. Và, lúa biến đổi gene chính là điểm mà các công ty hướng đến. Hai đặc tính được chọn để tạo ra cây trồng GM là kháng thuốc diệt cỏ và kháng sâu bọ. Kể từ khi phát minh này đi vào thực tiễn, các công ty, tập đoàn cung ứng giống cây trồng GM đã tích cực đẩy mạnh mở rộng diện tích gieo trồng loại cây này trên toàn cầu, và hiện châu Á đang là đích ngắm của các tập đoàn này.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Michael Antoniou thuộc trường Đại học Hoàng gia Y khoa London cho rằng, cây trồng GM được xúc tiến dựa trên những tuyên bố rằng nó an toàn khi ăn, có lợi cho môi trường, tăng sản lượng, giảm sử dụng thuốc BVTV và giúp giải quyết nạn đói. “Song, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, cây trồng GM gây tác hại đến vật nuôi trong phòng thí nghiệm. Cây trồng GM làm tăng lượng sử dụng thuốc BVTV và không tăng năng suất”, TS. Michael Antoniou nhấn mạnh. Ngoài ra, cây trồng GM đang được thực hiện ngày nay có thể tạo ra các độc tố hoặc các chất gây dị ứng không ngờ tới trong thực phẩm và ảnh hưởng tới giá trị dinh dưỡng của thực phẩm. Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc sử dụng các chất diệt cỏ với dị tật bẩm sinh và ung thư.
Không an toàn như tuyên bố
Tuyên bố trên nhận được nhiều sự đồng tình từ các nhà khoa học trên khắp thế giới. TS. Michael Hansen, thuộc mạng lưới hành động về thuốc BVTV châu Á - Thái Bình Dương (PAN - AP) cho biết, trên thế giới hiện có khoảng 160 triệu ha trồng cây GM, trong đó chiếm đến 83% kháng thuốc BVTV, còn lại là kháng côn trùng gây bệnh. Kết quả khảo nghiệm ở Ấn Độ cho thấy, hiện, cây bông GM đã chiếm tới 92% diện tích trồng bông của cả nước này. Nhưng, 7 năm nay, năng suất của cây bông GM không tăng, trong khi lượng phân bón phải sử dụng nhiều hơn 15%, chi phí dành cho thuốc BVTV cũng tăng lên qua các thời kỳ. Theo tính toán, chi phí trồng cây GM sẽ đắt gấp 3 lần so với trồng cây bình thường.
“Việc đưa cây trồng GM vào sản xuất rộng rãi vừa khiến người nông dân phải lệ thuộc hoàn toàn vào các công ty giống, vừa sinh ra một vòng luẩn quẩn. Có lúa biến đổi gene kháng sâu, kháng thuốc trừ cỏ, thì thiên nhiên sẽ sinh ra các loài sâu kháng thuốc, các loài cỏ kháng thuốc. Và khi đó, nông dân sẽ phải cần những loại thuốc có hoạt tính mạnh hơn, độc hơn, nhiều hơn để diệt trừ. Tất nhiên, không ai khác là các nhà cung cấp cây trồng GM, thuốc BVTV thu về lợi nhuận lớn”, TS. Hansen cảnh báo. Cũng theo TS. Hansen, rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, cây trồng GM, bao gồm một số đã có trong thực phẩm của chúng ta và thức ăn cung cấp cho chăn nuôi gây ra những dấu hiệu độc tính trong thử nghiệm, đặc biệt là rối loạn chức năng gan, thận và phản ứng miễn dịch. Tại nhiều quốc gia châu Á, người dân đã kịch liệt phản đối việc đưa lúa biến đổi gene vào trồng như ở Philippines, Bangladesh…
Tại Việt Nam, từ năm 2007 đến nay, đã có 7 giống ngô biến đổi gene của 3 công ty được cấp phép khảo nghiệm. Hiện, các công ty này đều đang đẩy mạnh hoạt động khảo nghiệm, truyền thông để nhanh chóng đạt được sự đồng thuận đưa vào sản xuất đại trà tại Việt Nam. Dù Bộ NN&PTNT chưa ấn định thời gian đưa vào trồng đại trà, nhưng, nhiều nhà khoa học trong nước đã lên tiếng phản đối, cảnh báo những nguy cơ khi đưa các loại cây trồng GM vào sản xuất.
Theo ANTĐ