Rất nhiều loại keo được sử dụng trong nối mi có chứa hóa chất formaldehyde - loại hóa chất có thể gây dị ứng dẫn đến nhức, bỏng rát, sưng và phát ban khi tiếp xúc.

Uốn lông mi

Uốn lông mi cũng tương tự như uốn tóc, dưới tác dụng của thuốc, lông mi của bạn sẽ cong trong khoảng 3 tháng. Sau đó, lông mi sẽ duỗi dần và trở về hình dạng ban đầu.

Nếu muốn uốn tiếp, bạn phải chờ ít nhất là 6 tháng để lông mi mọc đều lại. Nhưng có một điều bạn cần phải biết là uốn lông mi rất có hại bởi sau khi uốn, lông mi sẽ bị rụng và thưa dần.

Nếu sơ ý để dung dịch uốn lông mi bị dính vào mắt sẽ làm cho mắt bạn cay, rát, về lâu dài sẽ làm hại mắt.

Vì vậy, các chuyên gia thẩm mỹ khuyên bạn không nên uốn lông mi thường xuyên.
 


Nối mi

Để có thể nối mi, người ta phải sử dụng nhíp để gắn từng sợi tơ lụa hoặc sợi tổng hợp lên từng chiếc lông mi của bạn bằng một chất keo và điều mà bạn có thể không biết là rất nhiều loại keo được sử dụng trong nối mi có chứa hóa chất formaldehyde - loại hóa chất có thể gây dị ứng dẫn đến nhức, bỏng rát, sưng và phát ban khi tiếp xúc.

Viện Nghiên cứu về nhãn khoa của Mỹ đã cảnh báo rằng nối mi ở các salon uy tín cũng vẫn có thể bị nhiễm khuẩn giác mạc và mí mắt, cũng như bị viêm da do phản ứng với loại keo mà salon đó sử dụng.

Một mối nguy hại khác nữa là bạn rất dễ bị rụng tạm thời hoặc rụng vĩnh viễn lông mi tự nhiên vì việc nối mi làm hỏng lông nang hoặc do mi giả quá nặng đến mức làm mi thật bị căng và gãy.

Việc vệ sinh tay và các dụng cụ nối mi cho các khách hàng nếu không được làm cẩn thận cũng là nguyên nhân dễ làm lan truyền nhiễm khuẩn.

Vì vậy, một khi đã nối mi giả, bạn nên chú ý theo dõi các triệu chứng như đau, ngứa hay đỏ mắt. Nếu các triệu chứng này gia tăng, bạn không được giụi, gãi hoặc giật mi nối ra mà cần đi gặp bác sĩ nhãn khoa ngay.

Nhuộm mi

Với tâm lý thích làm đẹp, lại được giới thiệu những lời “có cánh” như: không mất công chải mascara, chải phấn mắt, màu nhuộm lưu giữ trên mi khoảng 6 - 10 tuần, rửa mặt hàng ngày không bị lem màu... khiến dịch vụ nhuộm lông mi được khá nhiều chị em tìm tới, nhất là các cô gái trẻ.

Bác sĩ chuyên khoa mắt Nguyễn Quý Trọng (Viện Mắt TW) cho biết thành phần thuốc nhuộm mi chủ yếu là hóa chất, rất có thể gây dị ứng hoặc gây viêm nhiễm cho mắt, đặc biệt là những loại thuốc nhuộm không rõ nguồn gốc càng nguy hiểm hơn.

Thống kê của Viện Mắt TW và Bệnh viện Mắt TP.HCM cho thấy, số bệnh nhân đến điều trị viêm mi mắt do dị ứng thuốc nhuộm ngày càng nhiều, cá biệt có tuần lên tới 20 - 30 người!

ThS.BS. Đặng Xuân Mai - Bệnh viện Mắt TP.HCM cảnh báo, nếu thuốc uốn nhuộm mi bị rơi vào trong mắt sẽ bị viêm kết mạc, viêm mắt, viêm bờ mi, mắt tấy đỏ, chảy nước mắt liên tục, nóng rát mắt..., thậm chí với những người có cơ địa quá mẫn cảm còn có thể bị dị ứng toàn bộ vùng da xung quanh mắt, nổi mụn nước hoặc mụn có mủ, gây buồn nôn, nôn hoặc mẩn đỏ toàn thân, gây sốt, mắt có thể bị giảm thị lực trầm trọng, thậm chí dẫn đến mù hoàn toàn.

BS. Mai còn khuyến cáo rằng, có nhiều người sau khi uốn nhuộm mi, thấy mắt bị rặm, ngứa đã tự ý mua thuốc có corticosteroid để nhỏ mắt không theo sự hướng dẫn của bác sĩ nên rất dễ gặp phải nguy cơ gây tăng nhãn áp. Đây là một trong những nguyên nhân gây mù mắt không hồi phục hàng đầu trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Do đó, nếu không may bị dính thuốc nhuộm vào mắt thì ngay lập tức cần phải dùng nước sạch xối nhiều lần để rửa mắt sạch rồi đến ngay chuyên khoa mắt của bệnh viện để chữa trị, tránh sử dụng thuốc nhỏ mắt bừa bãi khiến cho bệnh có thể nặng thêm, thậm chí là không thể cứu vãn được đôi mắt . 


Theo Trần Trung/PLTPHCM

.