Chỉ 1 ngày sau khi UBND tỉnh Khánh Hòa chính thức công bố dịch cúm gia cầm H5N1 xuất hiện tại TX.Ninh Hòa, đã có thêm 1 bệnh nhân cư trú trong vùng dịch nhập viện trong tình trạng sốt cao và suy hô hấp nặng. Rất đáng lo, bởi lẽ theo chu kỳ 5 năm tái phát dịch cúm gia cầm (kể từ 2009) ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Khánh Hòa vẫn là tỉnh đầu tiên xác định có trường hợp tử vong do cúm A/H1N1. 
 
 
Chiều ngày 16.2, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Phú Yên cho biết, kết quả lấy mẫu bệnh phẩm trên đàn vịt của hộ ông Huỳnh Tấn Thành và ông Nguyễn Hà cùng ở thôn Thạch Tuân 2, xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa, đã có ba mẫu dương tính với cúm A/H5N1, với hơn 1.000 con chết.
 
Tại các xã Xuân Phước và Xuân Quang 3, huyện miền núi Đồng Xuân cũng đã xảy ra tình trạng gia cầm của nhiều hộ chết hàng loạt. UBND tỉnh Phú Yên đã ra quyết định tiêu hủy hơn 2.000 con vịt mắc bệnh cúm H5N1.
 
Hiện Phú Yên có hơn 3,48 triệu con gia cầm (chủ yếu là vịt chạy đồng), ngoài các biện pháp bao vây dịch, địa phương đang tích cực kiểm soát, ngăn chặn lây lan. Cùng ngày, toàn bộ 7.000 con gia cầm xung quanh khu vực có dịch đã được tiêm phòng theo quy định.
 
Hiện lực lượng thú y chốt chặt khu vực có dịch, nghiêm cấm gia cầm ra, vào vùng dịch. Công tác tiêu độc, khử trùng được tiến hành khẩn cấp. 100 lít thuốc khử trùng đã được huy động. Lực lượng thú y hiên nay vẫn tiến hành lấy mẫu giám sát dịch thường xuyên. Đến chiều ngày 16.2, trên địa bàn tỉnh Phú Yên vẫn chưa phát sinh thêm điểm dịch mới.
 
Còn theo ông Nguyễn Phùng Hoan - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nam Định - đến hết ngày 16.2.2014, công điện của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã tăng cường đồng loạt các biện pháp giám sát dịch. Tới chiều ngày 16.2, toàn bộ số gia cầm mắc dịch đã được tiêu hủy theo đúng quy trình.
 
Lãnh đạo tỉnh Lào Cai chỉ đạo: Địa phương nào giấu dịch thì bí thư, chủ tịch phải chịu trách nhiệm. Để ngăn chặn nguy cơ lây truyền virus cúm H5N1, H7N9 vào nội địa, Ban chỉ đạo 127 của tỉnh Lào Cai và UBND các cấp đã lập ba tuyến ngăn chặn buôn bán, vận chuyển gia cầm, nội tạng động vật, trứng gia cầm trái phép...
 
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - đến nay, VN chưa phát hiện virus cúm A/H7N9 trên cả gia cầm và người. Nhưng từ đầu năm đến nay đã có 2 ca cúm A/H5N1 ở Bình Phước, Đồng Tháp và đều tử vong. Trong khi đó, dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm, nhập lậu gia cầm từ biên giới phía bắc cũng đang diễn biến phức tạp. Bộ Y tế yêu cầu các trung tâm kiểm dịch y tế biên giới tăng cường giám sát để phát hiện sớm các trường hợp mắc cúm ở Việt nam. Các viện vệ sinh dịch tễ và Pasteur sẵn sàng tiếp nhận các mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán virus cúm A/H7N9 trên người. Các bệnh viện đã chuẩn bị thuốc men, trang thiết bị, phòng cách ly sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân cúm A/H7N9.Q.D
 
Theo Lao động