(BVPL) - Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì hiện nay Việt Nam đang đứng thứ 2 trong khu vực Tây Thái Bình Dương về số lượng người nhiễm viêm gan B. Bệnh viêm gan ở Việt Nam đang tăng mạnh ở mức báo động. Có những địa phương vào dịp cao điểm có tới vài trăm bệnh nhân mắc bệnh viêm gan.
 


Cũng theo ước tính từ Bộ Y tế, đến năm 2020 sẽ có 8 triệu người Việt nhiễm virus viêm gan B mạn tính.

Điều đáng nói là trong thời điểm giao mùa như hiện nay, lượng người nhiễm viêm gan bùng phát ở nhiều địa phương trên cả nước.

Theo Tiến sĩ - bác sĩ Lê Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, ước tính khoảng 15 – 20% dân số Việt Nam bị nhiễm viêm gan siêu vi nói chung. Riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân đến khám vì bệnh gan. Chiếm đa số trong đó vẫn là bệnh nhân đến khám vì viêm gan siêu vi.

Triển khai động thái tích cực

Bệnh viên gan liên quan chặt chẽ với vệ sinh môi trường (VSMT), vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), do đó ở địa phương nào VSMT và VSATTP càng kém thì bệnh do HAV càng dễ phát triển. Bệnh viêm gan do HAV (viên gan A) không có nhiều triệu chứng như bệnh viêm gan do các loại virut viêm gan B, C. Bệnh viêm gan A rất dễ lây lan trong cộng đồng.

Khác với viêm gan A, đường lây truyền viêm gan virus B và C chủ yếu qua máu, quan hệ tình dục, từ mẹ sang con. Ở nước ta, nguồn lây nhiễm bệnh từ mẹ sang con chiếm tới từ 80% - 90%. Tuy nhiên, việc chích ngừa dự phòng bằng văcxin viêm gan B cho trẻ sơ sinh chưa đạt hiệu quả cao. Theo thống kê, tỷ lệ trẻ được tiêm ngừa mũi 24 giờ đầu sau sinh vào năm 2015 tại nước ta mới chỉ gần 70%, thấp hơn rất nhiều so với khuyến cáo của WHO là 85%.

Hiện nay, trong công tác điều trị, phòng ngừa bệnh viêm gan siêu vi của chúng ta đang tồn tại khá nhiều bất cập. Về viêm gan siêu vi B tại Việt Nam có thuốc chích tương đối tốt. Ngoài ra, chúng ta còn có các loại thuốc uống ngăn chặn sự phát triển của siêu vi gây đến những nguy hiểm như xơ gan và ung thư gan. Tuy nhiên, chi phí điều trị, đặc biệt là điều trị viêm gan C có giá thành rất cao.

Theo ghi nhận, giá thành điều trị viêm gan siêu vi C trong một năm là khoảng hơn 100 triệu đồng. Một vấn đề khó khăn thứ hai đối với người bị nhiễm viêm gan siêu vi B, C mãn là phải tái khám mỗi tháng.  

Khó khăn thứ ba trong điều trị là đa số các bệnh viêm gan siêu vi B, C mãn tính có biểu hiện rất thầm lặng. Chỉ khoảng 20% các trường hợp viêm gan có triệu chứng biểu hiện ra ngoài. Chính vì vậy, khi phát hiện ra bị mắc viêm gan siêu vi thường đã ở giai đoạn muộn.

Trước thực tế này, cơ quan y tế cần có những động thái tích cực trong công tác phòng, chống bệnh. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng cần có những chính sách thiết thực, tạo điều kiện cho người dân trong quá trình điều trị.
 

Hữu Bắc

.