Ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Hiểu biết pháp luật sẽ làm giảm bạo lực gia đình
Cập nhật lúc 17:01, Thứ hai, 29/06/2015 (GMT+7)
(BVPL) - Không hiểu biết pháp luật dẫn đến âm thầm chịu đựng khi bị bạo hành trong gia đình là tình trạng đang xảy ra nhiều ở nước ta. Một chiến dịch truyền thông về pháp luật chống bạo lực gia đình sẽ là cần thiết để bảo vệ những tổ ấm.
Từ khi Luật Phòng chống bạo lực gia đình được ban hành và có hiệu lực đến nay đã là khoảng 8 năm, song tình trạng bạo lực gia đình vẫn diễn biến phức tạp, số vụ án có nguyên nhân từ bạo lực gia đình không ngừng tăng lên. Thực trạng này cho thấy, người dân vẫn còn hiểu biết hạn chế về pháp luật nói chung cũng như Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Bà Nguyễn Thúy Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ về những nguyên nhân chính thúc đẩy hành vi bạo lực gia đình ở Việt Nam: Nguyên nhân cơ bản đó là bất bình đẳng giới thể hiện sự quan hệ không công bằng quyền lợi giữa các thành viên trong gia đình hay còn có nguyên nhân khác như về kinh tế cũng là lý do gây lên bạo lực gia đình; nguyên nhân về nhận thức, về trình độ dân trí của các thành viên trong gia đình.
Để các điều luật này đi vào cuộc sống, cần có thêm nhiều hoạt động tuyên truyền tác động nâng cao nhận thức của người dân và quan trọng hơn hết là chính những nạn nhân của bạo lực gia đình cần có ý thức bảo vệ mình. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Nguyên tắc đầu tiên của phòng, chống bạo lực gia đình là phải áp dụng đồng bộ các biện pháp về phòng, chống bạo lực gia đình, lấy phòng ngừa là trên hết, tăng cường công tác tuyên truyền. Đối với công tác này cần phải làm đúng như Luật đã quy định, bên cạnh các quy định về các hình thức thông tin tuyên truyền Luật cũng quy định trách nhiệm đối với các cơ quan có liên quan đối với công tác này; vấn đề thứ hai liên quan đến phòng ngừa đó là vấn đề cơ quan tư vấn và hòa giải phòng, chống bạo lực gia đình (hòa giải phòng, chống bạo lực gia đình bên cạnh Luật Phòng chống bạo lực gia đình đó là Luật Hòa giải ở cơ sở được Quốc hội khóa XIII đã thông qua); vấn đề tư vấn phê bình cộng đồng dân cư cũng là biện pháp để răn đe, phòng ngừa đối với hành vi bạo lực gia đình.
Các chuyên gia cũng đề xuất, cần giảm bạo hành gia đình thông qua việc phá vỡ sự im lặng, nâng cao nhận thức của người dân. Đồng thời, cần có những hành động cấp bách để ngăn ngừa, đối phó với vấn nạn này.
Đức Khoa
.