Ngăn ngừa dị ứng mùa xuân, cách gì?
Cập nhật lúc 19:48, Thứ ba, 18/02/2014 (GMT+7)
Theo nghiên cứu của Trung tâm Dị ứng - MDLS Bệnh viện Bạch Mai thì tỷ lệ các bệnh dị ứng ở nước ta khá cao: 20 - 25% ở các khu vực thành phố, khoảng 20% ở một số vùng nông thôn. Mùa xuân - mùa cây cối đâm chồi nảy lộc, đơm hoa thì tỷ lệ dị ứng tăng cao nhất trong năm. Vấn đề đặt ra là phải phòng chống bệnh dị ứng trong mùa xuân như thế nào? Câu trả lời có trong bài viết dưới đây. Báo Bảo vệ Pháp luật điện tử, Cơ quan của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Theo nghiên cứu của Trung tâm Dị ứng - MDLS Bệnh viện Bạch Mai thì tỷ lệ các bệnh dị ứng ở nước ta khá cao: 20 - 25% ở các khu vực thành phố, khoảng 20% ở một số vùng nông thôn. Mùa xuân - mùa cây cối đâm chồi nảy lộc, đơm hoa thì tỷ lệ dị ứng tăng cao nhất trong năm. Vấn đề đặt ra là phải phòng chống bệnh dị ứng trong mùa xuân như thế nào? Câu trả lời có trong bài viết dưới đây.
Phương pháp phòng chống dị ứng
Nguyên tắc đầu tiên để phòng chống dị ứng là phải tránh tiếp xúc với chất gây dị ứng. Vì vậy, khi nghi ngờ bị dị ứng do chất gì theo các nguyên nhân nói trên, bạn cần dừng ngay việc tiếp xúc hay hít thở chất đó. Trong mùa xuân, những người dễ bị dị ứng với phấn hoa nên gội đầu thường xuyên để rửa sạch phấn hoa bám trên tóc hoặc rơi trên cổ, ngực, áo quần. Bạn cũng phải tránh hoặc hạn chế đến các vườn hoa, là nơi dễ phát tán nhiều phấn hoa. Thực phẩm hay dược phẩm đã từng gây dị ứng cho bạn thì phải nhớ để tránh dùng nó suốt đời. Đối với trẻ còn bú mẹ, sữa mẹ là thức ăn có tác dụng phòng chống dị ứng tốt nhất, nhờ tác động bảo vệ của các kháng nguyên chống dị ứng có trong sữa mẹ.
Vấn đề chính là phải giảm bớt tác động của các loại phấn hoa theo các biện pháp sau: Tránh tiếp xúc với phấn hoa, đặc biệt phải biết được loại gây dị ứng cho bạn là phấn hoa gì và hôm nào chúng xuất hiện, nhiều hay ít. Ðiều này có thể thực hiện bằng cách theo dõi dự báo thời tiết để biết nắng mưa, độ ẩm và loại phấn hoa thường khuếch tán khi thời tiết thuận lợi với chúng. Những ngày có mưa phùn, khí hậu ẩm ướt, phấn hoa thường thấp hơn. Trái lại, phấn hoa thường nhiều hơn trong những ngày nắng gió. Phấn hoa thường bay trong không khí nhiều nhất vào buổi sáng. Vì thế những người bị dị ứng với phấn hoa nên tránh ra ngoài trước 10 giờ sáng vào những ngày có nhiều phấn hoa. Tắm gội trước khi đi ngủ để làm sạch hết tất cả bụi phấn đã tích tụ trên người trong ngày. Tuyệt đối không phơi quần áo ngoài trời vào những ngày có nhiều phấn hoa khuếch tán. Có biện pháp bảo vệ khi làm việc hay hoạt động ngoài trời. Nếu bạn thường bị dị ứng vào mùa xuân thì không nên làm các công việc như làm vườn, cắt cỏ mà nên đổi công việc cho người không bị dị ứng. Khi cần hoạt động ngoài trời, bạn phải đeo khẩu trang để tránh hít phải phấn hoa, kết hợp với uống các thuốc chống dị ứng trước khi ra ngoài, nhưng phải tránh uống thuốc dị ứng gây buồn ngủ nếu làm việc với máy móc hoặc lái xe. Đóng kín cửa trong mùa xuân kể cả khi ngủ để ngăn không cho bụi và phấn hoa bay vào phòng ngủ. Bạn cũng phải thường xuyên lau chùi bụi bặm trên bàn, ghế, kệ, tủ... sàn nhà. Chuẩn bị sẵn các thuốc chống dị ứng thông thường như: diphenhydramin, chlorpheniramin, thuốc xịt cắt cơn hen nếu bạn hay người nhà bị hen. Để phòng chống dị ứng gây ngứa và đỏ mắt, cần chuẩn bị một số thuốc nhỏ và rửa mắt. Đối với các bệnh dị ứng nặng như hen suyễn, nổi mề đay nhiều, ngứa nhiều, khó thở... hoặc người cao tuổi, bị dị ứng lần đầu, bạn phải đến khám và điều trị ở bác sĩ.
Theo SK&ĐS