Hậu quả do cháy, nổ gây ra kinh hoàng như thế nào thì ai cũng biết. Nhưng một số cơ quan, doanh nghiệp vẫn còn chủ quan, xem nhẹ, dẫn đến lơ là trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) hoặc giả có làm cũng chỉ mang tính đối phó. Hậu quả nhãn tiền là khi hỏa hoạn xảy ra, thành quả lao động tích góp trong nhiều năm phút chốc trở thành đống tro tàn.

 


Theo thống kê, trong số 55 vụ cháy xảy ra từ đầu năm đến nay thì đã có trên 50% là các vụ cháy khu vực dân cư mà nguyên nhân là do chập điện, và 10% là cháy xe ô tô trong khi lưu thông. Các vụ cháy ở cơ quan, doanh nghiệp tuy có giảm về số vụ nhưng mức độ thiệt hại thì đặc biệt nghiêm trọng.

Tháng 8.2014, tại bãi gỗ Cảng Quy Nhơn đã xảy ra một vụ cháy lớn. Dù đã tích cực cứu chữa nhưng tổn thất từ vụ cháy vẫn không thể nói là nhỏ. Điều đáng tiếc nhất là rất nhiều khiếm khuyết có nguy cơ gây cháy nổ ở khu vực này đã được cơ quan chức năng cảnh báo và kiến nghị khắc phục nhưng các kiến nghị đó không được đơn vị chủ quản tiếp thu đầy đủ.

Tháng 7.2014, tại cơ sở sản xuất của Công ty Thế Vũ ở CCN Phước An, huyện Tuy Phước xảy ra một vụ hỏa hoạn lớn. Nguyên nhân cháy sau đó đã được chỉ ra rất cụ thể: kho hàng hóa, vật tư phục vụ sản xuất để chung với hóa chất dễ cháy; lực lượng tại chỗ chưa được tập huấn nghiệp vụ chữa cháy... Các hạn chế đó không được chủ doanh nghiệp tiếp thu khắc phục. Hậu quả là chỉ 1 tháng sau, tại công ty này lại xảy ra vụ cháy thứ 2 ngay giữa ban ngày. Có cả hàng trăm công nhân ngay hiện trường, nhưng do chưa được huấn luyện, chưa có phương án PCCC nên đám cháy nhỏ bốc lên rất nhanh, lan rộng ra. Hậu quả là một lượng tài sản trị giá hàng chục tỉ đồng đã bị thiêu rụi.

Ở các doanh nghiệp chế biến lâm sản, hệ thống điện, khu vực phun sơn, lò sấy thường xảy ra các sự cố gây cháy. Những sai sót dẫn đến nguy cơ cháy nổ đã được cảnh báo sau các lần cơ quan chức năng kiểm tra, nhưng rất nhiều đơn vị vẫn chủ quan, không chịu khắc phục. Ngoài ra, ở các KCN, các chủ đầu tư vừa sản xuất, vừa thi công nhà xưởng nên thiết kế hệ thống PCCC còn chắp vá; các công trình vẫn xây dựng trong khi chưa có hồ sơ thẩm định đảm bảo an toàn cháy, nổ của cơ quan có thẩm quyền.

Đại tá Phạm Đình Trung, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn - cứu hộ, CA tỉnh (PC66), cho biết: “Từ đầu năm đến nay, Phòng PC66 đã thực hiện nhiều lượt kiểm tra, kiến nghị khắc phục hàng trăm sai sót, phạt hành chính 31 vụ vi phạm các quy định về an toàn cháy nổ với số tiền gần 50 triệu đồng. Chúng tôi kiểm tra, yêu cầu họ khắc phục theo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn mang tiếng là gây khó khăn, không tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, khổ lắm”.

Cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở đâu nếu lơ là, khinh suất. Vì vậy, công tác PCCC phải trở thành nguyên tắc sống, ăn sâu trong ý thức của mỗi người dân, mỗi cơ quan, doanh nghiệp. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.

 

Theo Báo Bình Định

.