Việc cho phép mang thai hộ mang lại hy vọng cho những phụ nữ kém may mắn nhưng do yêu cầu khá nghiêm ngặt về mặt pháp lý, trong quá trình thực hiện có thể gặp không ít trở ngại
 
 
Với chị N.T.B (30 tuổi; ngụ quận Tân Bình, TP HCM), đây có thể là lối thoát cho nỗi ám ảnh bao nhiêu năm của chị. Năm 16 tuổi, một cuộc tình vụng dại với cậu bạn cùng lớp đã khiến chị dính bầu đành phải đi phá thai “lậu”, hậu quả là thủng tử cung, buộc phải cắt bỏ sau đó. 14 năm trôi qua, chị đã gặp được một người đàn ông đủ yêu thương và thông cảm để thành vợ thành chồng. Tuy nhiên, vì không thể có con, thỉnh thoảng lại nghe tiếng thở dài của cha mẹ chồng khiến chị không khỏi đau lòng. “Chồng tôi đã nói với tôi về việc mang thai hộ này. Tôi đang dò hỏi khắp họ hàng, mong sẽ có người giúp bởi thấy chồng lúc nào cũng bênh vực và cố giấu chuyện cũ cho tôi khi cha mẹ hối thúc đi khám, tôi thấy thương anh lắm” - chị kể.
 
BS Dương Phương Mai, Giám đốc Y khoa BV Phụ sản Quốc tế, cho biết những ngày qua, có khá nhiều bệnh nhân hỏi về vấn đề này. Theo bà, Luật Hôn nhân Gia đình sửa đổi cho phép mang thai hộ thật sự mang tính nhân đạo bởi qua nhiều năm trong nghề, bà gặp rất nhiều phụ nữ đau khổ vì bị áp lực bên chồng, dẫn đến những hậu quả đau buồn.
 
Theo BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, trong nhiều năm làm nghề y, ông gặp rất nhiều phụ nữ còn rất trẻ, thậm chí chưa chồng, đã phải cắt bỏ tử cung hoặc mang một thương tổn do bệnh tật gây nên khiến họ không thể mang thai được nữa. Nhiều cặp vợ chồng khá giả đã chi không ít tiền bạc vào kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm nhưng vẫn thất bại vì tử cung người vợ có vấn đề, họ chỉ biết an ủi nhau trong nỗi đau thầm kín. Cũng có những phụ nữ buồng trứng thì khỏe mạnh nhưng tử cung lại có vấn đề do dị tật, bệnh hoặc do thủ thuật phụ khoa trước đó nên không thể mang thai và có làm thụ tinh ống nghiệm cũng bất thành. Trong trường hợp đó, mang thai hộ là một giải pháp tốt, giải quyết được nỗi bức xúc cho nhiều người dân miễn là nó được quản lý chặt chẽ về mặt y khoa cũng như pháp luật.
 
Khó tránh khỏi rắc rối
 
Theo các chuyên gia y tế, hình thức mang thai hộ có kỹ thuật điều trị đơn giản nhưng phức tạp về mặt pháp lý và xã hội. Vì là lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam nên việc triển khai khó tránh khỏi những rắc rối.
 
ThS-BS Hồ Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu di truyền và Sức khỏe sinh sản ĐH Quốc gia TP HCM, cho rằng dù mang thai hộ là lối mở, cơ hội lớn giúp cho những phụ nữ không may mắn giải tỏa niềm khao khát có con song những quy định về vấn đề này vẫn còn bất cập. Ở các quốc gia khác, việc mang thai hộ là do chủ thể quyết định, người mang thai có thể là bà, cô, dì… có đủ sức khỏe sinh sản. Ở nước ta, trong khi tiếng Việt chưa có khái niệm “người thân thích cùng hàng” thì việc đưa cụm từ trên vào luật tạo nên sự mơ hồ. Quy định cơ sở khám chữa bệnh chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ cũng là điều khó khả thi bởi trách nhiệm này là của cơ quan công an…
 
Phụ nữ mang thai hộ là người mang nặng đẻ đau nhưng đứa trẻ sinh ra không phải con của mình mà là con của vợ chồng nhờ mang thai hộ. BS Tường nhận định chắc chắn sẽ xảy ra nhiều tranh chấp liên quan đến đứa trẻ cũng như quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan, chưa kể tình trạng “lách luật” để thực hiện dịch vụ này... “Do đó, các cặp vợ chồng vô sinh muốn có con bằng phương pháp này cần phải tìm hiểu kỹ, nắm rõ và thực hiện đúng các quy định của pháp luật để tránh những kiện cáo, tranh chấp có thể xảy ra” - BS Tường khuyên.
 
Theo BS Lê Quang Thanh, Giám đốc BV Phụ sản Từ Dũ (TP HCM), 1 trong 3 BV được phép điều trị hiếm muộn có nhờ người mang thai hộ, hiện BV này vẫn còn chờ Bộ Y tế triển khai thêm một số nội dung vì mang thai hộ có rất nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý. Dự kiến, một cuộc hội thảo do Bộ Y tế chủ trì sẽ diễn ra tại TP HCM vào cuối tháng này với sự tham gia của nhiều nhà chuyên môn.
 
Theo Người lao động
 
.