Lấy vợ, sinh con nhờ tái sinh thần kỳ sau ghép tế bào gốc
Cập nhật lúc 23:45, Thứ ba, 17/05/2016 (GMT+7)
Hiện nay, mỗi năm có khoảng 50 bệnh nhân được ghép tế bào gốc tại Viện Huyết học và Truyền máu trung ương, giúp họ có thể vượt qua được các căn bệnh nan y về máu. (tái sinh, sinh con, thần kỳ, Lấy vợ)
Hiện nay, mỗi năm có khoảng 50 bệnh nhân được ghép tế bào gốc tại Viện Huyết học và Truyền máu trung ương, giúp họ có thể vượt qua được các căn bệnh nan y về máu.
Việc có một cuộc sống bình thường, lấy vợ, sinh con như bao nhiêu người cùng độ tuổi bỗng nhiên trở nên quá xa vời. Nhưng nhờ được ghép tế bào gốc vào năm 2010 mà đến nay, sau 6 năm, sức khỏe của anh không những đã ổn định mà anh còn gặp được người bạn đời của mình và chị đã sinh cho anh một thiên thần nhỏ. Đối với anh thì ghép tế bào gốc thực sự đã "tái sinh anh thêm một lần nữa” – anh H chia sẻ.
Hàng trình 10 năm
TS Bạch Quốc Khánh - Phó Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, bắt đầu ghép từ tháng 6/2006, số ca ghép của Viện cũng đã tăng lên với tốc độ rất nhanh, từ mức 4 - 6 ca ghép/năm của giai đoạn trước, đã tăng vọt lên 19 ca ghép năm 2011, rồi trung bình 50 ca/năm, đưa tổng số ca ghép tính đến tháng 5/2016 lên đến 204 ca, gồm 111 trường hợp ghép tự thân và 93 trường hợp ghép đồng loài.
Ghép tế bào gốc tự thân cho các nhóm bệnh Đa u tủy xương và U lympho ác tính đã trở thành phương pháp điều trị thường quy của Viện. Quy trình ghép ngày càng được hoàn thiện giống như phác đồ chuẩn của thế giới. Ghép tế bào gốc đồng loài được coi là bước đột phá lớn trong lĩnh vực Y học nước nhà và là 1 trong 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật của Việt Nam năm 2012. Chỉ định nhiều nhất là Lơxêmi cấp, suy tuỷ xương... là những bệnh nan y.
Sau 10 năm tiến hành ghép, đối với ghép tự thân và đồng loài, tỷ lệ bệnh nhân còn sống đến thời điểm 5/2016 tương ứng là 70% và 63,3%. Đặc biệt trong nhóm ghép đồng loài các bệnh nhân thuộc nhóm bệnh máu lành tính hiệu quả ghép khá cao, đạt 89,6%.
Vào tháng 12/2014, Viện đã tiến hành ca ghép đồng loại không cùng huyết thống đầu tiên sử dụng mẫu máu dây rốn của Ngân hàng TBG máu dây rốn cộng đồng. Và đến hết năm 2015, Viện đã thực hiện thành công 10 ca ghép tế bào gốc từ nguồn máu dây rốn của Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng.
Kết quả trên đã khẳng định các mẫu máu dây rốn từ Ngân hàng có chất lượng và tiềm năng ứng dụng rất tốt và có thể đáp ứng được nhu cầu ghép tế bào gốc đồng loại ngày một tăng cao của các bệnh nhân tại Viện Huyết học – Truyền máu TW nói riêng và tại Việt Nam nói chung.
Hiện tại, ngân hàng tế bào gốc của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã mang lại nhiều giá trị hữu ích cho người bệnh. Viện đã ký kết với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thu thập máu dây rốn từ những sản phụ tình nguyện hiến. Cho đến nay, có 2400 đơn vị máu dây rốn được thu thập, xử lý và lưu trữ thành công.
Tiến sĩ Trần Ngọc Quế, Phó Giám đốc Trung tâm tế bào gốc cho biết 100% các mẫu dây rốn được sàng lọc theo quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo chất lượng. Tất cả các đơn vị máu dây rốn cộng đồng đều được xét nghiệm HLA độ phân giải cao và sẵn sàng tìm kiếm với xác suất tìm được mẫu máu dây rốn phù hợp HLA tối thiểu 4/6, đủ liều tế bào có nhân và CD34 lên tới 97%, kể cả các trường hợp bệnh nhân cần ghép là người lớn.
Ghép tạng thì các chỉ số tương thích không cần cao nhưng TS Quế cho biết ghép tế bào gốc thì chỉ số HLA phải cao mới làm được vì nếu không tương thích sẽ xảy ra phản ứng có thể gây tử vong ngay cho bệnh nhân.
Hiện nay, TS Quế cho rằng tế bào gốc sẽ là xu hướng mới cho điều trị các bệnh nan y về máu cũng như một vài bệnh khác như ung thư vú.
Theo infonet
.