Cách đây vài ngày, trên mạng xã hội lan truyền thông tin một cô gái sau khi hút bóng cười và sử dụng ma túy tổng hợp đã phải vào Bệnh viện Bạch Mai điều trị gần 1 tháng vì loạn thần, tổn thương não, không nói, không đi lại được.

 


Trao đổi với Báo ANTĐ ngày 12-1, một bác sĩ tại Khoa Thần kinh - Bệnh viện Bạch Mai xác nhận, cách đây chưa lâu, khoa có tiếp nhận một bệnh nhân nữ vào điều trị với các triệu chứng như trên và bệnh nhân này cũng có sử dụng bóng cười trước đó. Tuy nhiên do tổn thương quá nặng nên sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm ban đầu, bệnh nhân đã được chuyển đến Khoa Chống độc của bệnh viện để tiếp tục điều trị.

Trước đó, Khoa Thần kinh - Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tiếp nhận một cô gái trẻ sinh năm 1994 vào viện với biểu hiện choáng váng, buồn nôn, tay chân co giật sau khi hút quá nhiều bóng cười tại một quán bar ở Hà Nội. Tuy nhiên, trường hợp này đã được TS Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Bạch Mai khẳng định là nhập viện vì một bệnh lý khác chứ không liên quan đến hút bóng cười.

Dù số bệnh nhân nhập viện được xác nhận có liên quan đến hít bóng cười rất hiếm song TS Dương Đức Hùng cảnh báo, không vì thế mà có thể sử dụng thoải mái bởi nếu lạm dụng chất này rất nguy hiểm. Khi hít bóng cười, khí cười (N2O hay Nitơ Ôxit) tác động đến hệ thần kinh trung ương gây cảm giác vui vẻ, hưng phấn trong thời gian ngắn, nhưng ngay sau đó lại là trạng thái cảm xúc bất thường, có thể chóng mặt, giảm khả năng suy nghĩ, nặng hơn có thể dẫn đến bất tỉnh và thậm chí tử vong do thiếu ôxy.

TS Dương Đức Hùng phân tích, bóng cười chứa khí cười. Nếu hít một lượng lớn khí này một lúc có thể khiến người sử dụng cười ngặt nghẽo, không dứt ra nổi. Ở nước ta, khí cười không nằm trong danh mục quản lý đặc biệt, không phải một chất ma túy nhưng ở nước ngoài, khí cười được sử dụng khá hạn chế, chủ yếu trong nha khoa với mục đích làm giảm đau và giúp bệnh nhân có cảm giác thoải mái, không sợ hãi. Ở một số nước châu Âu, các bác sĩ vẫn khuyến cáo giới trẻ không nên sử dụng khí cười vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh.

Về vấn đề này, theo bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, nếu lạm dụng, sử dụng bóng cười lâu dài có thể dẫn tới rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi, rối loạn tư duy. Thường khi mắc phải rối loạn này sẽ kéo theo những rối loạn khác dẫn đến hình thành hội chứng. Đồng thời, việc sử dụng khí N2O còn gây ra sự mất tập trung đến các việc khác như học tập, lao động, nguy hiểm nhất là khi sử dụng xong rồi tham gia giao thông, sẽ rất dễ gây tai nạn do hội chứng ảo giác, không kiểm soát. Thậm chí, khi sử dụng lâu dài, bóng cười có thể gây ra mất trí nhớ.
 

Theo Nguyễn Phan/ANTD.VN

.